Tại sao trào ngược dạ dày thực quản lại gây ho- Mẹo chữa hiệu quả

Ho do trào ngược dạ dày-thực quản có biểu hiện gì?

Ho do trào ngược dạ dày-thực quản(GERD) là một trong ba nguyên nhân phổ biến nhất ( bao gồm hội chứng chảy dịch mũi sau, trào ngược dạ dày thực quản và hen suyễn)  gây ra chứng ho mãn tính không rõ nguyên nhân. Số liệu nghiên cứu thống kê cho thấy có tới 25% hoặc hơn số bệnh nhân mắc Trào ngược dạ dày thực quản liên quan có triệu chứng ho mãn tính. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào triệu chứng ho mãn tính thì rất khó để chẩn đoán bệnh, vì đặc điểm ho mãn tính trong Trào ngược dạ dày thực quản rất giống với ho do những nguyên nhân như hút thuốc lá, hen suyễn,…

  • Ho mãn tính kéo dài trên 8 tuần, ho tăng về đêm, tăng khi nằm và sau bữa ăn, có thể kèm theo cảm giác đau rát sau xương ức ,không liên quan tới hoạt động/ không có sự xuất hiện của chứng nhỏ giọt sau mũi, đó là những những dấu hiệu điển hình nhất để nghĩ tới ho do Trào ngược dạ dày-thực quản.
  • Việc chẩn đoán sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu ho xuất hiện kèm theo triệu chứng điển hình của Trào ngược dạ dày -thực quản là nôn trớ và ợ chua. Ở những bệnh nhân này, nôn trớ và ợ chua thường là vấn đề chính, trong khi ho chỉ là vấn đề thứ yếu.
  • Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng triệu chứng cổ điển của GERD, nhóm bệnh nhân này thường không đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị GERD tiêu chuẩn-liệu pháp ức chế acid. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ phải làm các xét nghiệm như: Kiểm tra độ pH, kiểm tra trở kháng pH và/ nội soi phía trên đường hô hấp, liệu pháp ức chế bơm proton (PPI)  để tiến hành xác định nguyên nhân gây ho mạn tính là GERD.

Tại sao trào ngược dạ dày thực quản lại gây ra ho?

Đã có 2 cơ chế được đề xuất để lý giải cho mối liên hệ giữa Trào ngược dạ dày-thực quản với chứng ho mãn tính:

  • Cơ chế thứ nhất: Sự trào ngược acid dịch vị từ dạ dày lên thực quản qua cơ thắt thực quản trên, rơi vào thanh quản qua nắp thanh môn hoặc thỉnh thoảng rơi vào cây phế quản. Acid dịch vị sẽ kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa. Ho là phản xạ bảo vệ đường hô hấp để tống acid (thứ mà đường hô hấp coi là dị vật) ra ngoài.
  • Cơ chế thứ hai là Học thuyết Trào ngược (Reflex Theory): theo đó thực quản và khí quản có cùng nguồn gốc phôi thai ( trước khi có sự phân chia rõ ràng như cấu trúc giải phẫu của đứa trẻ sơ sinh, thực quản và khí quản có chung nguồn gốc từ một mô). Vì vậy những kích thích từ acid dịch vị lên thực quản có thể dẫn tới phản xạ phế quản gây ho.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ho có thể dẫn đến trào ngược acid dịch vị lên thực quản, sau đó dẫn đến một chu kỳ ho (chu kỳ ho-trào ngược-ho).

Ho do trào ngược dạ dày- thực quản có nguy hiểm không?

Một số biến chứng của ho do trào ngược dạ dày
Một số biến chứng của ho do trào ngược dạ dày

Ho chỉ là phản xạ thông thường của cơ thế để bảo vệ đường hô hấp khỏi dị vật- dịch vị acid. Ho do trào ngược dạ dày-thực quản là dấu hiệu cho thấy niêm mạc đường hô hấp có thể đang phải chịu sự tác động của acid dịch vị. Tiến hành nội soi thanh quản có thể phát hiện ra biến chứng như: phù nề dưới thanh quản, ban đỏ / xung huyết thanh quản, phù nếp gấp thanh quản, phù nề thanh quản lan tỏa, phì đại tuyến sau, u hạt / mô hạt và chất nhầy thanh quản dày. Nếu xác định được nguyên nhân ho do trào ngược dạ dày-thực quản, cần phải xác định rõ biến chứng nguy hiểm là do GERD gây ra, chứ không phải do ho. Và ngoài biến chứng về đường  hô hấp đã được nêu trên, bệnh nhân còn có thể gặp biến chứng về đường tiêu hóa, thần kinh kinh khác. Mức độ nguy hiêm sẽ tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, tuy nhiên thường thì bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày chỉ gặp biến chứng khi không được điều trị kịp thời hoặc phát hiện bệnh quá muộn. Thay đổi lối sống vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quản lý GERD với mục tiêu chính là giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phòng và điều trị ho do trào ngược dạ dày thực quản

Với những bệnh nhân được xác định nguyên nhân ho do trào ngược dạ dày-thực quản, thay đổi lối sống và điều trị hợp lý sẽ giảm thiểu được tình trạng trào ngược dạ dày, từ đó giảm ho.

Thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt hợp lý

  • Kê cao đầu khi ngủ. Kê cao đầu đã được chứng minh là làm giảm tiếp xúc với acid với thực quản và  giảm thời gian thanh thải acid của thực quản cùng với việc giảm các triệu chứng ở bệnh nhân GERD.
  • Không nằm ngay sau khi ăn.
  • Không vận động mạnh sau bữa ăn, vận động nhẹ nhàng khoảng 30 phút để thức ăn nhanh chóng được tiêu hóa.

Thay đổi chế độ ăn uống

Những thực phẩm có hiệu quả trong việc giảm chứng trào ngược dạ dày
Những thực phẩm có hiệu quả trong việc giảm chứng trào ngược dạ dày
  • Không ăn quá no, ăn chậm nhai kỹ.
  • Không bữa tối quá gần thời gian đi ngủ. Cách tầm khoảng 3-4 tiếng để thức ăn trong dạ dày được kéo xuống ruột non.
  • Ăn những thực phẩm có hiệu quả trong việc giảm chứng trào ngược dạ dày, như thực phẩm có tính kiềm ( dưa hấu, chuối, bông cải xanh, các loại quả hạch như óc chó…) để trung hòa bớt dịch vị acid ở thực quản- dạ dày, thực phẩm giàu chất xơ- các loại rau như ngũ cốc nguyên hạt, đậu xanh, măng tây, cà rốt, bí đỏ… sẽ giúp cho bệnh nhân có cảm giác no, vì vậy sẽ không ăn quá nhiều trong một bữa ăn, thực phẩm nhiều nước như nước ép rau cần tây, ra diếp, dưa hấu, trà thảo mộc ( cúc hoa, gừng, cam thảo,..)
  • Không sử dụng đồ ăn nhẹ vào ban đêm, tránh chế độ ăn nhiều chất béo.
  • Tránh sử dụng những chất kích thích như rượu bia, chè, cafe, thuốc lá, các loại đồ uống có ga, sôcôla, nước ép cà chua, nước ép của các quả họ Bưởi…

Tránh căng thẳng lo lắng, vận động thường xuyên

  • Stress sẽ làm dạ dày tăng tiết acid, làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược dạ dày. Vì vậy không để bệnh nhân căng thẳng kéo dài.
  • Giảm cân được khuyến khích mạnh mẽ ở những bệnh nhân GERD thừa cân, nhưng không có lợi ích nào được ghi nhận ở những người có cân nặng bình thường. Mặc dù vậy, vận động sẽ làm tăng tiết hormone serotonin góp phần mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc, giảm căng thẳng stress.

Trà gừng chữa ho do trào ngược dạ dày hiệu quả

Trà gừng chữa ho do trào ngược dạ dày hiệu quả
Trà gừng chữa ho do trào ngược dạ dày hiệu quả

Trà gừng được đông y dùng để giảm các tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản. Mặc dù gừng có tình nóng, nhưng nó là vị thuốc ức chế dạ dày sản xuất acid và làm dịu dạ dày một cách tự nhiên. Gừng còn làm tăng sức đề kháng của cơ thể, tăng khả năng bảo vệ đường hô hấp khỏi sự tác động của acid dịch vị, làm giảm thiểu tình trạng ho của bệnh nhân.

Chữa ho do trào ngược dạ dày bằng nước muối

Nước muối sinh lí được dùng để sát khuẩn họng trong các trường hợp ho do nhiễm trùng. Ở những bệnh nhân mà xét nghiệm cho thấy có sự xuất hiện của acid dịch vị trong thanh quản, rất có khả năng acid sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch tại đây, khiến cho thanh quản dễ bị vi khuẩn tấn công. Để đề phòng viêm họng có bội nhiễm, bệnh nhân có thể súc miệng hàng ngày với nước muối sinh lí.

Dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày

Điều trị bằng thuốc cho GERD nhằm mục đích giảm triệu chứng và giảm thiểu tổn thương niêm mạc do trào ngược axit:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) như omeprazol, lansoprazol,… là nhóm thuốc kháng acid mạnh nhất. Chúng được dùng một lần hoặc hai lần mỗi ngày và có hiệu quả nhất nếu uống trước bữa ăn từ 30 đến 60 phút. Nhiều bệnh nhân sẽ tái phát các triệu chứng sau khi ngưng PPI, do đó thường phải điều trị suốt đời.
  • Sử dụng thuốc chẹn thụ thể H2 như cimetidine, ranitidine, famotidine,…

Xem thêm: [Chia sẻ] Trào ngược dạ dày gây viêm lưỡi: Nguyên nhân và cách xử lý ?