Contents
Giải phẫu dạ dày
Dạ dày là một tạng rỗng trong ổ bụng, là một cơ quan khá quan trọng trong hệ tiêu hóa và đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa thức ăn. Trong y học cổ truyền phương Đông, dạ dày thuộc vào “lục phủ”, là phủ “vị” (lục phủ là 6 phủ gồm đởm, vị, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang và tam tiêu).
Ở người bình thường, dạ dày nằm ở thượng vị, thường hơi lệch về bên trái, có hình chữ J. Đây là một cơ quan nối liền thực quản với tá tràng. Thức ăn trước khi được đưa đến ruột non để tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, đều phải đi qua dạ dày để được tiêu hóa một phần.
Một dạ dày có cấu tạo bình thường sẽ gồm các phần như ảnh trên. Tâm vị (cardiac part) là phần nối thực quản với dạ dày. Bình thường, ở gần đây có cơ thắt thực quản dưới, có tác dụng không cho những thứ trong dạ dày như thức ăn hay dịch tiêu hóa trào ngược lên trên thực quản. Đáy vị (fundus) là phần dạ dày lồi lên trên cả tâm vị, thường là phần trống cho dù có ăn no. Thân vị (body) là phần thân dạ dày, có thể tích lớn nhất, với 2 bờ cong là bờ cong bé và bờ cong lớn rất rõ ràng. Cuối cùng, gần đường đi vào tá tràng là môn vị (pyloric part), ở đây có cơ thắt môn vị, điều tiết sự đưa thức ăn trong dạ dày xuống tá tràng.
Thành dạ dày được cấu tạo từ 4 lớp, đi từ ngoài vào trong là: Lớp thanh mạc, lớp cơ, lớp hạ niêm và lớp niêm mạc. Lớp cơ lại gồm 3 lớp nhỏ hơn, theo thứ tự từ ngoài vào trong là cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo.
Tất cả thức ăn ăn vào đều được lưu trữ một thời gian ở dạ dày và tiêu hóa một phần nhờ dịch vị và sự co bóp nhào trộn của dạ dày, sau đó mới được tiêu hóa tiếp ở ruột non. Tuy nhiên, nó không phải là cơ quan sinh tồn không thể thay thế. Trên thực tế, nếu cắt bỏ hoàn toàn dạ dày, con người vẫn có thể sống được bình thường nhờ ăn những loại thức ăn đặc biệt, hoặc nuôi dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Dịch vị của dạ dày gồm những thành phần gì?
Dịch vị là một loại dịch trong suốt, lỏng sánh do các tế bào thuộc dạ dày tiết ra, bao gồm: acid hydrochloric (HCl), chất nhầy, các enzyme tiêu hóa (với chủ yếu là pepsin và lipase) và yếu tố nội.
Acid HCl: HCl được bài tiết bởi tế bào thành (hay tế bào viền) dạ dày. Cơ chế tạo acid HCl được thể hiện trong hình dưới.
Dưới tác dụng xúc tác của một enzyme có tên là carbonic anhydrase (viết tắt là CA), CO2 phản ứng với nước tạo ra acid H2CO3, acid này sau đó ngay lập tức phân ly thành H+ và HCO3-.
- Ion HCO3- được vận chuyển vào máu nhờ cơ chế khuếch tán thụ động, trao đổi ngược lại với ion Cl- theo tỷ lệ 1:1. Ion Cl- này sau đó được vận chuyển tích cực vào lòng dạ dày.
- Ion H+ được vận chuyển tích cực vào lòng dạ dày nhờ một bơm có tên là bơm proton (tên đầy đủ là H+/K+-ATPase), trao đổi ngược lại với ion K+ theo tỷ lệ 1:1. Như vậy trong dạ dày lúc này đã có acid HCl.
- Ion K+ vào trong tế bào sau đó lại được bơm ra ngoài tế bào vào lòng dạ dày để tạo điều kiện cho bơm proton tiếp tục hoạt động.
HCl đóng góp nhiều vai trò quan trọng trong tiêu hóa thức ăn và đồng thời là hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể:
- HCl tạo điều kiện pH thích hợp để hoạt hóa pepsinogen chưa hoạt động thành pepsin hoạt động và cũng tạo môi trường pH thích hợp cho pepsin hoạt động.
- HCl tạo ra một môi trường pH thấp tiêu diệt đa số các vi sinh vật có trong thức ăn. Đây là một cơ chế miễn dịch của cơ thể. Nếu lượng HCl tiết ra ít, chúng ta dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa hơn.
- HCl có thể thủy phân một phần cellulose trong thành tế bào thực vật còn non, đồng thời cắt được một phần liên kết peptide trong các protein.
- HCl cũng là một yếu tố điều hòa để đóng mở cơ thắt môn vị.
Chất nhầy: Chất nhầy là một lớp chất có dạng gel, thể chất quánh và không tan trong nước, thường có độ dày trên 1 mm, có pH kiềm do có bicarbonate (HCO3-), cấu tạo từ các glycoprotein, phospholipid và carbohydrate. Đây là yếu tố không thể thiếu để bảo vệ các tế bào dạ dày khỏi bị tấn công bởi chính các enzyme tiêu hóa và acid HCl đã bài tiết ra. Suy giảm lớp chất nhầy có thể khiến cho chúng ta bị loét dạ dày – tá tràng. Các tế bào chịu trách nhiệm bài tiết chất nhầy bao gồm tế bào cổ tuyến trong tuyến tiết acid HCl, các tế bào tuyển ở môn vị cũng như tâm vị và các tế bào nhầy.
Các enzyme tiêu hóa: Chủ yếu là pepsin và lipase.
- Pepsin là một endopeptidase có nguồn gốc từ các tế bào chính. Tuy nhiên pepsin ban đầu tồn tại dưới dạng không hoạt động là pepsinogen, sau đó nó mới được hoạt hóa thành pepsin ở môi trường pH thấp và đã có một chút pepsin trước đó. Môi trường pH tối ưu cho pepsin hoạt động tốt nhất là pH từ 1-2, pH > 5 làm bất hoạt enzyme này. Pepsin thủy phân các liên kết peptide một cách có chọn lọc, chỉ thủy phân các liên kết peptide ngay trước acid amin có nhân thơm (Phenylalanine và Tyrosine). Pepsin cắt đứt các protein thành proteose và pepton.
- Lipase dịch vị là enzyme phân giải triglyceride nhưng tác dụng yếu hơn nhiều so với lipase dịch tụy. pH tối ưu cho hoạt động của enzyme này là từ 4-6.
Yếu tố nội: Đây là một thành phần liên kết với vitamin B12, tạo điều kiện cho nó được hấp thu ở hồi tràng (đoạn cuối ruột non). Nếu thiếu yếu tố nội, cơ thể sẽ không hấp thu được vitamin B12 và dễ dẫn đến thiếu máu.
Cơ chế điều hòa bài tiết dịch vị của dạ dày
Dịch vị được bài tiết nhiều nhất là trong bữa ăn. Ngoài bữa ăn, dịch vị được bài tiết rất ít (bài tiết nền). Cơ chế bài tiết dịch vị gồm 2 cơ chế là thần kinh và thể dịch.
- Cơ chế thần kinh: Thông qua hệ thần kinh thực vật, mà chủ yếu liên quan đến dây thần kinh X (còn có tên là dây thần kinh phế vị, hay dây thần kinh lang thang) của hệ phó giao cảm. Các chất dẫn truyền thần kinh tận cùng dây X đều là acetylcholine, trừ chất dẫn dẫn truyền thần kinh đến các tế bào G ở dạ dày và tá tràng là GRP (gastrin-releasing peptide). Acetylcholine có tác dụng kích thích các tế bào thành tiết ra acid HCl, kích thích các tế bào chính tiết ra pepsinogen. GRP kích thích các tế bào G tiết ra gastrin. Gastrin cũng kích thích tăng tiết acid HCl. Các tín hiệu kích thích khởi động các quá trình này xuất phát từ não, đi theo dây thần kinh X rồi xuống dạ dày.
- Cơ chế thể dịch: Hai hormone cho thấy vai trò chính trong bài tiết acid HCl là gastrin và histamine. Gastrin ngoài kích thích tiết acid ở tế bào thành, nó cũng kích thích tế bào chính tiết pepsinogen nhưng ở mức độ thấp hơn. Histamine kích thích tiết acid HCl thông qua thụ thể histamine H2 trên tế bào thành.
Một số hormone khác cũng ảnh hưởng lên sự bài tiết acid HCl và dịch vị, ví dụ như cortisol vỏ thượng thận kích thích tăng tiết HCl và pepsinogen nhưng ức chế bài tiết chất nhầy.
Một số tình trạng bệnh lý, thuốc hay thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng trên bài tiết dịch vị:
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Tăng tiết gastrin làm kích thích tăng tiết HCl.
- Thuốc lá: Kích thích tăng tiết acid HCl, giảm tiết nhầy.
- Rượu bia: Kích thích tăng tiết acid.
- Thuốc: Các thuốc khác histamine H2 và thuốc ức chế bơm proton ức chế bài tiết HCl, các glucocorticoid có tác dụng như cortisol nội sinh…
Xem thêm: