Tiêu chảy là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa phổ biến, nếu kéo dài lâu ngày sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Tiêu chảy nhẹ có thể điều trị tại nhà ngay khi còn sớm. https://chuyengiadaday.com/ sẽ cung cấp đến bạn đọc kiến thức cơ bản về bệnh tiêu chảy và mách bạn 8 cách chữa tiêu chảy tại nhà hiệu quả.
Contents
Bệnh tiêu chảy là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân nhão hoặc lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày hoặc với tần suất thường xuyên hơn tình trạng bình thường. Việc đi ngoài nhiều hơn bình thường ra phân đã thành hình không được coi là tiêu chảy.
Trên lâm sàng, tiêu chảy được chia làm 3 loại :
- Tiêu chảy cấp tính chảy nước: kéo dài vài giờ hoặc vài ngày, và bao gồm cả bệnh tả.
- Tiêu chảy cấp tính ra máu: còn gọi là bệnh lỵ.
- Tiêu chảy dai dẳng: kéo dài trong thời gian 14 ngày hoặc lâu hơn.
Người bị tiêu chảy cũng có thể gặp một trong những triệu chứng sau: đau bụng, buồn nôn, chuột rút. Tiêu chảy do nhiễm trùng có thể có 1 hay nhiều biểu hiện: phân có máu, sốt và ớn lạnh, chóng mặt, nôn.
Tiêu chảy có thể khiến cơ thể bị mất muối và nước. Trước đây, những trường hợp tử vong do tiêu chảy chủ yếu do mất nước và muối nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện nay, nhiễm trùng do vi khuẩn ngày càng chiếm tỉ lệ cao trong những ca tử vong do tiêu chảy. Những trường hợp có nguy cơ đe dọa tính mạng cao nhất là trẻ em suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch và những người nhiễm HIV.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy và nguy hiểm nhất là vi khuẩn tả gây tiêu chảy, hay còn gọi là bệnh tả. Dưới đây là những nguyên nhân tiêu chảy phổ biến:
Nhiễm trùng:
- Nhiễm virus: Rotavirus (chủ yếu với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi), Norovirus, Adenovirus, Enterovirus.
- Nhiễm vi khuẩn: Một số loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm gây tiêu chảy, phổ biến như: Campylobacter jejuni, Escherichia Coli (E.Coli), Salmonella enterocolitica, Trực khuẩn lỵ (Shigella).
- Nhiễm ký sinh trùng: Ký sinh trùng có thể theo nước và thức ăn đi vào cơ thể và định cư trong đường tiêu hóa gây bệnh tiêu chảy. Một số ký sinh trùng là tác nhân của tiêu chảy: Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Cryptosporidium.
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm:
- Dị ứng với một số thực phẩm như sữa bò, đậu nành, hải sản, trứng và hạt ngũ cốc.
- Không dung nạp lactose: Ăn thức ăn hoặc đồ uống có chứa sữa hoặc các sản phẩm từ sữa có thể gây tiêu chảy ở những người không dung nạp lactose.
- Không dung nạp Fructose: Xảy ra sau khi ăn hoặc uống các thực phẩm có chứa fructose, loại đường có trong mật ong, nhiều loại trái cây và một số siro có hàm lượng fructose cao.
Tiêu chảy do sử dụng thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây tiêu chảy như thuốc kháng acid có Magie, thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh,…
Các vấn đề về đường tiêu hóa: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích,..
8 cách chữa bệnh tiêu chảy tại nhà
Tiêu chảy nên được điều trị càng sớm càng tốt và không để tình trạng diễn ra kéo dài. Đối với tiêu chảy nhẹ xảy ra trong thời gian ngăn do dị ứng thực phẩm, ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh hay một số nguyên nhân khác mà không gây ra triệu chứng nghiêm trọng kèm theo thì bạn có thể tự điều trị tại nhà. Dưới đây là 8 phương pháp chữa bệnh tiêu chảy có thể áp dụng hiệu quả tại nhà.
Uống trà hoa cúc chữa tiêu chảy
Trà hoa cúc là một loại trà thảo dược đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó có công dụng giảm đau bụng và tình trạng tiêu chảy. Uống trà hoa cúc giúp thư giãn các cơ tiêu hóa, làm dịu các rối loạn tiêu hóa như: buồn nôn, tiêu chảy, đầy chướng bụng.
Nguyên liệu: 1 túi trà hoa cúc túi lọc hoặc 2g hoa cúc khô.
Cách thực hiện:
- Đun sôi nước.
- Cho khoảng 200ml nước sôi vào cốc đã cho sẵn trà hoa cúc.
- Chờ vài phút đến khi nhiệt độ trà vừa đủ uống rồi dùng trà.
Dùng lá nhót chữa tiêu chảy tại nhà
Lá nhót có vị chát do có chứa hợp chất tanin, có tác dụng cầm tiêu chảy rất tốt. Ngoài ra lá nhót còn có tính kháng khuẩn với 1 số chủng trực khuẩn lỵ gây tiêu chảy. Bạn có thể sử dụng bài thuốc dân gian chữa tiêu chảy bằng lá nhót như sau:
Chuẩn bị: 6 – 12g lá nhót khô
Thực hiện:
- Lá nhót đem sắc với 400ml nước, đun tới khi nước sắc cạn còn khoảng ¼.
- Chia đôi dịch sắc, uống 2 lần/ngày.
Lưu ý: Nếu dùng lá nhót tươi thì lấy khoảng 20-30g sao vàng rồi sắc uống tương tự như trên.
Bí kíp trị tiêu chảy bằng gừng
Gừng không chỉ là một loại gia vị quen thuộc mà vị thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền. Gừng có tác dụng làm giảm nhu động đường tiêu hóa, đồng thời kháng khuẩn và giải độc 1 số độc tố từ hải sản, nhờ vậy giảm tiêu chảy hiệu quả.
Chuẩn bị: 1 củ gừng tươi
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, giã nát hòa với nước ấm.
- Khuấy đều để dịch nước gừng hòa tan vào nước, bỏ bã rồi uống.
- Mỗi ngày uống 2 lần.
Trị tiêu chảy cấp tốc bằng lá ổi
Trong lá ổi đặc biệt là búp ổi non (hay còn gọi là đọt ổi) chứa hoạt chất tanin làm săn se và sát khuẩn niêm mạc ruột. Khi gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng, lá ổi trong vườn nhà có thể trở thành phương thuốc cầm tiêu chảy hữu hiệu.
Nguyên liệu: Lá ổi non ngắt khoảng 15-20 búp.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá ổi, ngâm vài phút trong nước muối loãng (do lá ổi thường dính lông sâu, cần loại bỏ trước khi dùng làm thuốc).
- Đun sôi lá ổi với nước sạch trên bếp, để lửa nhỏ.
- Để sôi tầm 20 phút thì tắt bếp. Chia ra mỗi ngày uống 3 lần, dùng trước khi ăn.
Mẹo chữa tiêu chảy bằng vỏ cam
Hợp chất pectin trong vỏ cam được biết đến với công dụng ngăn ngừa tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa qua kết quả một số nghiên cứu khoa học. Cùng bỏ túi thêm một mẹo chữa tiêu chảy tại nhà với vỏ cam nhé.
Nguyên liệu: Bạn có thể sử dụng vỏ cam phơi khô hoặc vỏ tươi đều được.
Cách thực hiện:
- Cho 1 nhúm vỏ cam vào ấm trà, thêm nước mới đun sôi vừa đủ.
- Chờ ít phút rồi dùng như trà bình thường.
Chú ý: Cam tươi rửa sạch trước khi gọt lấy vỏ do bề mặt ngoài của vỏ dính nhiều bụi bặm.
Trị tiêu chảy cho bà bầu bằng nước gạo rang
Với bà bầu đang bị tiêu chảy nhẹ, sử dụng nước gạo rang là một phương pháp hiệu quả và đảm bảo tính an toàn. Nước gạo rang thêm 1 ít muối giúp bổ sung, cân bằng nước và điện giải cho người bệnh đồng thời cầm tiêu chảy. Cách thực hiện đơn giản như sau:
Chuẩn bị: 100g gạo và 1 nhúm muối trắng.
Thực hiện:
- Làm nóng chảo trên bếp. Cho gạo và muối vào tiến hành rang.
- Đảo đều tay đến khi gạo chuyển màu vàng, có mùi thơm.
- Thêm nước vào đun sôi khoảng 5 phút. Chắt lấy nước dùng nhiều lần trong ngày.
Chú ý: Nước gạo rang uống ấm sẽ cho hiệu quả chữa tiêu chảy tốt hơn.
Mẹo chữa tiêu chảy bằng lá mơ lông
Lá mơ lông được sử dụng nhiều trong dân gian để chữa đau bụng và tiêu chảy. Lá mơ còn có tác dụng sát khuẩn với 1 số chủng lỵ trực khuẩn gây bệnh lỵ ở người. Bạn có thể áp dụng mẹo chữa tiêu chảy bằng lá mơ lông như sau:
- Hái 1 nắm lá mơ lông, rửa sạch dưới vòi nước.
- Thái nhỏ lá mơ, cho vào 1 quả trứng gà đã đập sẵn rồi khuấy đều, có thể thêm 1 ít muối cho vừa miệng khi ăn.
- Chế biến trứng gà lá mơ để ăn bằng cách lót lá chuối đem nướng. Mỗi ngày làm 2-3 lần như vậy.
Cách chữa tiêu chảy bằng cỏ sữa
Cỏ sữa được dùng để chữa tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy do lỵ. Đây là cây thuốc nam trị tiêu chảy lành tính mà hiệu quả, có thể sử dụng tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Cách làm như sau:
- Chuẩn bị 12g cây cỏ sữa( phần trên mặt đất)
- Nghiền nhỏ và thêm nước vào, chắt bỏ bã và uống.
Một số lưu ý khi chữa tiêu chảy tại nhà
Khi điều trị tiêu chảy tại nhà cần lưu ý một số điểm sau:
- Bổ sung đủ nước và muối cho người bệnh bằng một số dịch thông thường như Oresol, nước dừa, nước trà,… Uống từng thìa nhỏ chất lỏng nếu bị nôn.
- Tránh các hoạt động thể lực quá mức, chú ý nghỉ ngơi thư giãn.
- Không nên sử dụng kháng sinh tùy ý khi bị tiêu chảy, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
- Theo dõi các triệu chứng của bệnh, nếu sau 2 ngày mà tiêu chảy mà tình trạng tiêu chảy không chấm dứt thì tạm dừng các phương pháp tự điều trị và tới gặp bác sĩ.
Một số câu hỏi thường gặp
Bị tiêu chảy có nên uống sữa không?
Đối với bệnh nhân tiêu chảy, việc bổ sung dịch từ các chất lỏng theo đường uống là quan trọng nhưng cần lưu ý không sử dụng sữa trong trường hợp này. Khi bị tiêu chảy, không chỉ cần tránh xa sữa mà còn cả các đồ uống hay thức ăn có chứa sữa. Bởi vì sữa chứa nhiều protein dễ gây dị ứng và làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Ngoài ra có nhiều người không dung nạp được lactose trong sữa cũng sẽ dẫn tới tiêu chảy nặng hơn.
Bị tiêu chảy khi nào nên khám bác sĩ?
Nếu bạn bị tiêu chảy và có một trong các triệu chứng sau thì nên lập tức tìm tới bác sĩ để chẩn đoán và điều trị:
- Đi ngoài ra máu hoặc phân đen.
- Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày không khỏi.
- Sốt cao trên 38 độ C hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.
- Buồn nôn hoặc nôn và có triệu chứng không dung nạp được chất lỏng để thay thế.
- Đau bụng dữ dội.
- Tiêu chảy xảy ra sau khi đi từ nước ngoài trở về.
- Có các dấu hiệu mất nước: lượng nước tiểu ít hơn bình thường và đậm màu, tim đập nhanh, da khô, mắt trũng, nhức đầu, cáu kỉnh hoặc hoang mang.
Xem thêm: 6 cách chữa tiêu chảy cho bà bầu nhanh nhất tại nhà