Hiện nay, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản đang khá phổ biến, kèm theo đó là hàng loạt các triệu trứng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vậy căn bệnh này có thể gây những biến chứng gì? Có nguy hiểm không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Contents
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), hay còn được biết đến với cái tên viêm thực quản trào ngược, thường xảy ra ở khu vực thực quản dưới – thượng vị dạ dày. Tại đây, quá trình co thắt, đóng mở thực quản khi nuốt thức ăn đều đặn khi hệ tiêu hóa vận hành trơn tru. Ngược lại, nếu thành thực quản dưới giãn ra, hoặc phần nối giữa thực quản với dạ dày bị hở sẽ dẫn đến trào ngược thức ăn cũng như dịch dạ dày lên trên.
Tiếp theo, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và ghi nhớ một số triệu chứng của bệnh lý này nhé!
- Ợ hơi: Do thành thực quản bị giãn, việc co thắt để tiêu hóa thức ăn không ổn định dẫn đến hơi trong dạ dày bị đẩy lên miệng.
- Ợ chua, ợ nóng: Bệnh nhân khi gặp phải triệu chứng này sẽ có cảm giác chua chua ở miệng và cuống họng khi có hơi đẩy lên trên, kèm theo đó là cảm giác nóng rát. Nguyên nhân chính là do trong hơi đẩy lên có kèm theo một lượng nhỏ acid dạ dày.
- Đắng miệng: Dạ dày chính là nơi tiêu hóa các chất béo từ dịch mật trong túi mật tiết ra, tuy nhiên trào ngược dạ dày sẽ khiến cho dịch mật bị đẩy tràn vào dạ dày. Dịch này theo dòng trào ngược, đẩy lên cuống họng tạo cảm giác đắng bên trong miệng.
- Tiết nhiều nước bọt: Khi miệng có vị chua hay cảm giác đắng, thường thì cơ thể sẽ tự động tiết thêm nhiều nước bọt để trung hòa đi mùi vị khó chịu trong khoang miệng.
- Đau họng, khó nuốt: Hơi chứa acid từ dạ dày khi đẩy lên vùng niêm mạc hầu họng, lâu ngày có thể khiến cho niêm mạc bị viêm, sưng tấy hay thậm chí là khản tiếng. Đau họng sẽ khiến cho việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn hơn khi bị cọ xát vào khu vực đang sưng tấy.
- Ho hen: Tình trạng này thường bắt gặp ở bệnh nhân vào sáng sớm, giảm dần về chiều và tối. Ho khan lâu ngày, kèm theo lượng acid đẩy lên từ dạ dày nhiều có thể dẫn đến tình trạng hen phế quản.
- Đau tức ngực: Triệu chứng này rất giống với các bệnh lý tim mạch, do acid dạ dày từ hơi trào ngược lên trên sau khi tiếp xúc với niêm mạc thực quản sẽ gây kích thích. Các biểu hiện theo sau đó bao gồm cảm giác đau thắt, đè ép ở vùng ngực và đau xuyên ra lưng, cánh tay,…
- Nôn, buồn nôn: Hiện tượng cuối cùng theo sau hoặc song song đi kèm với các triệu chứng ợ hơi, đầy trướng bụng, khó tiêu,… Nếu thường xuyên gặp phải các hiện tượng như vậy, cảm giác chán ăn lâu ngày sẽ khiến cho sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng đáng kể.
Biến chứng của bệnh
Trào ngược dạ dày thực quản vốn đã là căn bệnh gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tuy nhiên nhiều người lại cho rằng để lâu ngày rồi sẽ thành quen, hoặc các triệu chứng sau một thời gian sẽ tự động biến mất. Để loại bỏ những sai lầm không đáng có, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 4 biến chứng của căn bệnh này, bao gồm:
Viêm thực quản
- Tỷ lệ người gặp phải biến chứng viêm thực quản sau khi mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản là khoảng 5 – 10% bệnh nhân. Con số này không quá lớn nhưng cũng không quá nhỏ, chính vì vậy các bạn cần phải lưu ý hiện tượng này.
- Khi có hiện tượng trào ngược dạ dày xảy ra, hơi acid từ trong lòng dạ dày sẽ bị đẩy lên trên, tiếp xúc với vùng niêm mạc thực quản và lâu ngày gây ra hiện tượng viêm.
- Song song với đó, các biểu hiện như ợ hơi, ợ chua thường xuyên sẽ khiến cho ổ viêm nhanh chóng bị loét, thậm chí gây ra chảy máu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chế độ ăn uống và sức khỏe của bệnh nhân khi không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng do chán ăn, đau và mệt mỏi (Khi tình trạng viêm xảy ra kéo dài, cơ thể sẽ tự động có các cơ chế bảo vệ như phản ứng gây sốt).
Hẹp thực quản
- Một biến chứng khác của trào ngược dạ dày thực quản chính là bệnh lý hẹp thực quản, xảy ra trong khoảng 10 – 15% bệnh nhân, một con số không hề nhỏ.
- Sau tình trạng viêm niêm mạc thực quản do lượng acid bị đẩy lên nhiều, khu vực bị tổn thương do loét nhanh chóng trở thành sẹo, lâu ngày gây hiện tượng hẹp thực quản.
- Lòng thực quản bị thu nhỏ lại, cản trở việc vận chuyển thức ăn từ miệng vào dạ dày và ống tiêu hóa. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi nuốt vì đau rát, đau ở phía sau xương ức trong khi đang ăn gây hiện tượng buồn nôn, nôn,…
Thực quản Barrett
- Tiền ung thư biểu mô tuyến thực quản, hay thường được biết đến với tên gọi Thực quản Barrett, chiếm đến khoảng 10% bệnh nhân có tiền sử trào ngược dạ dày kéo dài.
- Bệnh này thường xuất hiện trên người bệnh là nam giới nhiều hơn nữ giới, và ở những người có độ tuổi trung niên trở lên.
- Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tiền ung thư này, không đâu khác chính là do hơi acid đẩy ngược từ dạ dày lên tấn công hằng ngày vào khu vực niêm mạc. Những biểu mô thực quản dần dần bị thay thế bởi biểu mô dị sản, nhưng lại hoàn toàn không có biểu hiện đặc trưng.
- Chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân mắc căn bệnh này có dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản. Điều này thường gây ra tâm lý chủ quan và không chữa trị kịp thời khi những biểu hiện còn xuất hiện ít và thưa thớt.
- Cách đánh giá và kiểm tra duy nhất xem bạn có bị bệnh thực quản Barrett hay không bao gồm: Lấy sinh thiết và sử dụng thiết bị nội soi. Nếu đã được chẩn đoán mắc căn bệnh này, bạn sẽ phải thường xuyên tuân thủ lịch theo dõi cũng như phương pháp điều trị, đề phòng bệnh biến chuyển nặng hơn lên thành ung thư.
Ung thư biểu mô tuyến thực quản
Đây là biến chứng nặng nhất sau cùng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh phát triển thành ung thư là 0.5%/năm, thường gặp ở người trên 50 tuổi.
Thông thường, ung thư thực quản trong giai đoạn khởi phát thường được chia thành 2 loại:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại ung thư này có vị trí ở phần trên và giữa của thực quản. Biến chứng này thường có sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu mạnh,… làm yếu tố nguy cơ.
- Adenocarcinoma: Vị trí của căn bệnh này ở phía dưới khu vực thưc quản, thường là biến chứng nặng hơn của thực quản Barrett.
Giai đoạn đầu của ung thư thực quản, bệnh nhân thường không xác đinh được rõ triệu chứng mình gặp phải. Phổ biến nhất là tình trạng khó nuốt, nuốt thức ăn thấy đau, từ đó chán ăn và sụt cân.
Ở các giai đoạn tiếp theo, dần dần không chỉ khó nuốt ở thức ăn đặc mà còn cả ở dạng lỏng. Cùng với đó là các biểu hiện như khản tiếng, ho khan, buồn nôn và nôn ra máu, nôn do khối u xâm lấn, viêm phổi,…
Phần lớn bệnh nhân phát hiện được căn bệnh mình mắc phải khi đã ở giai đoạn nặng, do đau không chịu được nữa mới tới khám bác sỹ. Tình huống xấu nhất gặp phải, ung thư đã di căn đến các tạng như gan, phổi và các hạch, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và không có cách khắc phục.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không ?
Ngày nay, bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân: có thể từ môi trường làm việc thường xuyên căng thẳng, không thoải mái cho đến chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý, dẫn đến ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa và đặc biệt là dạ dày.
Như đã được đề cập phía trên, căn bệnh này gây ra bởi sự trào ngược hơi acid từ dạ dày lên khu vực thực quản và họng, tạo rất nhiều những biểu hiện không tốt và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn ý thức được việc cơ thể đang gặp phải một số dấu hiệu lạ, từ đó tìm hiểu và điều trị kịp thời thì thời gian khỏi bệnh sẽ được rút ngắn lại nhanh chóng.
Ngược lại, nếu vẫn giữ tâm lý chủ quan, coi thường các dấu hiệu lạ của bệnh và “để nặng hẳn mới đi chữa” thì rất dễ gây ra các biến chứng. Đáng tiếc nhất là đối với bệnh nhân phát hiện ra căn bệnh khi ở giai đoạn ung thư di căn – giai đoạn nặng nhất không thể chữa khỏi, đánh mất thời điểm vàng để gìn giữ sức khỏe cho chính bàn thân mình.
Chính vì vậy, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm hay không? Câu trả lời chính là ở bạn!
Một số cách phòng tránh trào ngược dạ dày thực quản
Chú ý và điều chỉnh để có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý
- Vào buổi tối, không nên ăn quá no.
- Hạn chế hoặc ngừng sử dụng các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, café, hút thuốc lá.
- Tập làm quen với chế độ ăn Low – carb được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng (ăn ít đường và tinh bột), tránh để bị rơi vào trạng thái quá no gây ợ nóng, ợ chua và buồn nôn cho người bệnh.
- Bổ sung nhiều trái cây, rau củ. Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chua cay.
- Không nằm ngay khi vừa ăn no xong.
Tư thế trong lúc ngủ
Bạn cũng cần chú ý tới điểm tưởng như rất nhỏ này, nhưng nó cũng có ảnh hướng lớn đến công dụng phòng tránh bệnh lý trào ngược dạ dày. Cụ thể như sau:
- Nằm ngủ nghiêng người sang bên trái.
- Khi nằm ngủ gối đầu bằng gối cao 15cm so với chân giường cũng có thể tránh được trào ngược.
Một số biện pháp khác
Hạn chế ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, socola,…
Không nên uống quá nhiều các loại nước ép có vị chua như nước ép cam, nước ép chanh,… Thay vào đó, bạn có thể bổ sung vitamin C bằng cách sử dụng viên uống, hoặc uống kết hợp cùng nguyên liệu khác như mật ong.
Không ăn hành tây sống.
Điều chỉnh để giữ mức cân nặng hợp lý. Tránh tình trạng để cơ thể thừa cân béo phì, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
Bài viết này là tổng hợp những thông tin vô cùng chính xác, thiết thực mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị độc giả về bệnh lý loét dạ dày thực quản. Hy vọng thông qua đây, mọi người sẽ nắm bắt được các biểu hiện và cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh, cũng như biến chứng của căn bệnh này để phòng tránh và điều trị sớm nhất, hiệu quả nhất.
Xem thêm: [Bật mí] Bệnh trào ngược dạ dày phòng tránh như thế nào? Nên ăn thực phẩm nào?