Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý mà nhiều người đang gặp phải. Vậy liệu rằng bệnh này có nguy hiểm không, có thể gây ra những biến chứng nào và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.
Contents
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng acid dịch vị dạ dày bị trào ngược lên vùng thực quản một cách thường xuyên hoặc từng lúc, gây ra những tổn thương cho niêm mạc vùng thực quản và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.
Nguyên nhân gây ra trào ngược dạ dày thực quản
Những nguyên nhân chính và phổ biến dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể kể đến như:
- Người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày: loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, hẹp hang môn vị hay ung thư dạ dày đều có thể khiến bệnh nhân xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Do các bệnh lý này khiến dạ dày tăng tiết acid dịch vị, làm tăng áp lực bên trong dạ dày và dễ dàng dẫn đến trào ngược.
- Các bệnh lý của vùng thực quản như: cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu, suy giảm thần kinh phó giao cảm thực quản, xơ thực quản do nhiễm trùng… cũng làm xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
- Người bị stress, căng thẳng trong một thời gian dài: stress kéo dài khiến cơ thể tăng tiết cortisol. Chính hormon này có tác dụng khiến niêm mạc dạ dày tăng tiết HCl và pepsin, từ đó làm tăng áp lực dạ dày và có nguy cơ cao bị trào ngược lên thực quản.
- Do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý: người hay ăn các loại thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, uống các loại đồ uống chứa chất kích thích như caffeine, bia, rượu sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của hệ tiêu hoá, đặc biệt là dạ dày. Dạ dày bị kích thích mạnh hơn và đó là nguyên nhân khiến trào ngược dạ dày thực quản xuất hiện.
- Sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng tới dạ dày một cách thường xuyên như các NSAIDs (aspirin, ibuprofen), thuốc điều trị huyết áp…
Biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Ợ nóng, ợ chua: đây là một trong những biểu hiện thường gặp nhất khi bị trào ngược dạ dày thực quản và thường xuất hiện vào buổi sáng. Bạn sẽ có cảm giác đau nóng rát từ dạ dày đến cổ họng khi bị ợ nóng hoặc cảm nhận được vị chua khi ợ chua. Điều này là do lượng acid quá nhiều, dư thừa trong dạ dày bị trào ngược lên và ảnh hưởng đến vùng niêm mạc thực quản.
- Buồn nôn và nôn: triệu chứng này thường xuất hiện sau khi ăn no hoặc lúc nằm ngay sau ăn. Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên khiến người bệnh sợ cảm giác ăn, đôi khi đi kèm với hiện tượng tắc nghẽn thức ăn sau khi ăn no.
- Đau tức ngực: khi bị đau tức ở ngực, người bệnh có cảm giác ngực như bị đè ép,thắt lại, cơn đau xuyên qua lưng và cánh tay. Biểu hiện này là do acid dịch vị khi trào ngược sẽ kích thích đầu mút thần kinh ở vùng niêm mạc dạ dày, từ đó tạo ra cảm giác đau.
- Khó nuốt: điều này xảy ra khi acid dịch vị làm tổn thương vùng niêm mạc của thực quản và khiến chúng bị phù nề, sưng tấy. Ngoài cảm giác đau rát thì việc sưng nề này còn khiến người bệnh cảm thấy khó nuốt mỗi khi ăn, nặng hơn là cả khi nuốt nước bọt bình thường.
- Đắng miệng, tiết nhiều nước bọt: Ngoài acid, phần dịch vị trào ngược lên cổ họng có thể còn có dịch mật khiến người bệnh luôn cảm thấy đắng miệng, chán ăn. Ngoài ra, khi dịch vị trào ngược lên thực quản, khoang miệng sẽ tiết ra nhiều nước bọt hơn để trung hòa acid, làm giảm sự khó chịu do việc trào ngược acid gây ra.
Tham khảo thêm: [Bật mí] Mách bạn cách chữa trào ngược dạ dày thực quản tại nhà
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?
Không nguy hiểm nếu được khám chữa sớm
Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý không quá nguy hiểm và có thể khỏi hẳn nếu được thăm khám và chữa trị kịp thời. Vì vậy, cần có phương pháp điều trị sớm và đúng đắn để bệnh không gây ra các biến chứng có hại cho cơ thể.
Không điều trị kịp thời sẽ gặp biến chứng nguy hiểm
Mặc dù trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng cho thực quản và có thể gây nguy hại với sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Một số biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Chảy máu và rò thực quản
Biến chứng chảy máu và rò thực quản xảy ra khi acid dạ dày trào ngược lên thực quản làm bỏng, loét vào các mạch máu có trên niêm mạc thực quản. Sự chảy máu này có thể là cấp tính khi ổ loét vào các mạch máu lớn, cần phải cấp cứu kịp thời để tránh sốc mất máu, ngoài ra cũng có thể là sự xuất huyết mạn tính nếu ổ loét vào các mao mạch nhỏ, gây ra hiện tượng thiếu máu mãn tính. Người bị trào ngược dạ dày nên tiến hành nội soi dạ dày thực quản để sớm phát hiện các tổn thương này để điều trị kịp thời.
Chít hẹp thực quản
Đây là biến chứng thường gặp nhất khi bị trào ngược dạ dày thực quản. Biến chứng này xảy ra khi acid dịch vị dạ dày phá hủy lớp lót ở niêm mạc thực quản, từ đó dẫn đến viêm và hình thành các mô sẹo ở thực quản. Chính các mô sẹo này làm thu hẹp thực quản, gây ra cảm giác khó nuốt, dễ nghẹn thức ăn. Nếu không điều trị kịp thời, chít hẹp thực quản có thể dẫn đến Barrett thực quản hoặc các nguy cơ tràn dịch phổi khác.
Barrett thực quản
Đây là một trong những biến chứng nặng nề nhất có thể xảy ra khi bị trào ngược dạ dày thực quản kéo dài. Barrett thực quản xảy ra khi tế bào lót ở vùng thấp thực quản có sự thay đổi về màu sắc và các thành phần cấu tạo do sự tiếp xúc lâu ngày với acid dịch vị. Mặc dù chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người bị trào ngược dạ dày thực quản mắc biến chứng này, tuy nhiên đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản là rất lớn khi xuất hiện biến chứng Barrett thực quản.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là biến chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất khi bị trào ngược dạ dày thực quản. Ung thư thực quản thường xảy ra sau khi người bệnh mắc biến chứng Barrett thực quản và thường gặp ở những người bị trào ngược dạ dày trên 50 tuổi. Khi bị ung thư thực quản, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như: ho nhiều, đau ở vùng xương ức, bị sút cân liên tục không rõ lý do. Đây là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần tầm soát ung thư để được phát hiện sớm, kịp thời chữa trị.
Tham khảo thêm: [Bật mí] Bất ngờ với công dụng chữa trào ngược dạ dày của vừng đen
Một số ảnh hưởng khác của trào ngược dạ dày với cuộc sống
Ngoài các biến chứng nguy hiểm kể trên, trào ngược dạ dày thực quản còn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu khác đến cuộc sống của người bệnh. Người bệnh có thể thường xuyên cảm thấy khó thở, ho và viêm họng kéo dài, lâu ngày có thể mắc phải tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản còn khiến bệnh nhân trở nên chán ăn, ngại ăn do khó nuốt, đau rát ở cổ họng, từ đó khiến người bệnh luôn trong cảm giác mệt mỏi, chán nản, sức khỏe suy giảm nguy trọng nếu bệnh xảy ra thường xuyên và kéo dài.
Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Có 2 cách để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, đó là điều trị không dùng thuốc và điều trị bằng thuốc. Nếu tình trạng trào ngược dạ dày của bạn đã diễn tiến nặng, cần kết hợp cả 2 phương pháp này dưới sự chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Điều trị không dùng thuốc
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày là một biện pháp vô cùng quan trọng, quyết định thành công của việc chữa trị bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các mẹo dân gian – sử dụng các loại dược liệu để cải thiện các cơn trào ngược dạ dày thực quản. Các biện pháp có thể áp dụng bao gồm:
- Chế độ ăn uống hợp lý: hạn chế ăn các loại thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Cần cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn, tránh các loại hoa quả có tính acid như cam, bưởi, mận… Ngoài ra, người bị trào ngược dạ dày cũng cần kiêng sử dụng các loại đồ uống có cồn và các chất kích thích như rượu bia, cà phê.
- Duy trì chế độ sinh hoạt, vận động điều độ: nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng stress kéo dài là một biện pháp cải thiện trào ngược dạ dày hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh cũng cần kết hợp nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện điều độ, tránh tình trạng ngồi, nằm quá lâu hoặc vận động quá sức. Việc vận động vừa sức sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, từ đó đẩy nhanh quá trình sửa chữa và tái tạo các tổn thương, trong đó có cả các tổn thương gây ra bởi trào ngược dạ dày. Thực hiện điều này vừa giúp cải thiện tình trạng bệnh, vừa nâng cao sức khỏe của bản thân.
- Sử dụng các mẹo dân gian để chữa trào ngược dạ dày: trong tự nhiên có rất nhiều loại thực phẩm có tác dụng cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Nghệ, gừng, mật ong, hoa cúc đều là các dược liệu tốt cho dạ dày, vừa chống viêm vừa làm giảm tình trạng tiết acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày trước sự tấn công của các tác nhân gây hại. Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu và sử dụng các loại dược liệu này một cách đúng nhất để đem lại tác dụng hiệu quả.
Tham khảo thêm: [Bật mí] Chữa trào ngược dạ dày bằng lá mơ lông tại nhà an toàn hiệu quả
Sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Ngoài việc điều trị không dùng thuốc, trào ngược dạ dày thực quản còn có thể được điều trị bằng các loại thuốc đặc trị nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định để đạt được tác dụng tốt và an toàn với sức khỏe.
Một số loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản mà bạn có thể tham khảo như:
- Thuốc ức chế bơm Proton (PPI): đây là loại thuốc được ưu tiên sử dụng hàng đầu hiện nay do tác dụng tốt và tính an toàn của nó đối với sức khỏe người dùng. Một số loại thuốc điển hình của nhóm thuốc này như Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol.
- Thuốc kháng thụ thể H2: điển hình là các loại thuốc Cimetidin, Ranitidin, Famotidin. Các thuốc này ức chế thụ thể H2 nên làm giảm tình trạng tiết acid trong dạ dày, từ đó hạn chế các cơn trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản có thể được cân nhắc điều trị ngoại khoa khi các biện pháp điều trị nội khoa không đạt được tác dụng như mong muốn hoặc đã xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Phương pháp điều trị ngoại khoa được ưa dùng hiện nay là “Nissen mềm” qua soi ổ bụng, tuy nhiên phương pháp này chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết vì các nguy cơ sau phẫu thuật là có thể xảy ra.