Hệ tiêu hóa, hệ cơ quan quan trọng bậc nhất trong cơ thể, đảm nhận vai trò biến đổi thức ăn thành những sản phẩm cuối cùng để có thể hấp thu qua niêm mạc ruột non vào máu, bổ sung cho phần năng lượng bị tiêu hao trong quá trình chuyển hóa và hoạt động của cơ thể. Do đó, chức năng của bộ máy tiêu hóa ảnh hưởng sâu sắc tới tình trạng sức khỏe. Mỗi chúng ta, từ khi còn nhỏ hay thậm chí khi trưởng thành, chắc hẳn đều đã từng trải qua ít nhiều các vấn đề trên đường tiêu hóa. Những vấn đề đó có thể mang tính chất cấp tính như nôn mửa hay tiêu chảy,… hoặc mạn tính như viêm loét dạ dày – tá tràng. Đi ngoài ra máu cũng là một trong những biểu hiện như thế. Nhiều người cảm thấy lo sợ khi gặp phải tình trạng này. Đừng lo lắng, hôm nay hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cặn kẽ về chứng bệnh này để có cách xử lý phù hợp nhé!
Contents
- 1 Đi ngoài ra máu là bệnh gì?
- 2 Đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?
- 3 Nguyên nhân đi ngoài ra máu
- 4 Đi ngoài ra máu tươi là biểu hiện của bệnh gì?
- 5 Triệu chứng đi ngoài ra máu
- 6 Cách điều trị đi ngoài ra máu
- 7 Cách phòng tránh đi ngoài ra máu
- 8 Bị đi ngoài ra máu khi nào cần đi khám bác sĩ?
- 9 Đi ngoài ra máu nên ăn gì?
- 10 Đi ngoài ra máu tươi nên khám ở đâu Hà Nội, Tp HCM?
- 11 Bà bầu đi ngoài ra máu có sao không?
- 12 Trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu có sao không?
- 13 Đi ngoài ra máu thường xuyên có sao không?
Đi ngoài ra máu là bệnh gì?
Đi ngoài ra máu hay đại tiện ra máu, theo quan điểm của y học hiện đại, thực chất không phải là một bệnh cụ thể. Bệnh trong y học hiện đại được định nghĩa là bất kỳ một sai lệch nào về cấu trúc và chức năng của bất kỳ một bộ phận, cơ quan hay hệ thống nào của cơ thể, biểu hiện bằng một tập hợp các triệu chứng đặc trưng, giúp thầy thuốc có thể chẩn đoán chính xác và chẩn đoán phân biệt bệnh, mặc dù nhiều khi ta chưa rõ về nguyên nhân, bệnh lý học và hiện tượng. Như vậy, có thể thấy rằng, đi ngoài ra máu không phải là một bệnh. Nó là một triệu chứng biểu hiện rằng hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề và cần được quan tâm.
Đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?
Đi ngoài ra máu tuy chưa thể khẳng định là xảy ra phổ biến nhưng cũng không thể nói là trường hợp hiếm gặp. Thông thường, tất cả mọi người đều sẽ dễ dàng trở nên lo lắng khi thấy bản thân hay người thân của mình gặp phải biểu hiện này. Tuy nhiên, không phải cứ đi ngoài ra máu là nguy hiểm. Tùy vào nguyên nhân gây ra đi ngoài ra máu mà mức độ và độ nguy hiểm của nó cũng khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như, bệnh táo bón thông thường cũng có thể gây ra đi ngoài ra máu; các bệnh nguy hiểm như ung thư đường tiêu hóa, viêm dạ dày, thủng dạ dày,… cũng đều có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa.
Nguyên nhân đi ngoài ra máu
Tương ứng với độ phổ biến của nó, nguyên nhân gây ra đi ngoài ra máu cũng rất đa dạng. Sau đây chúng tôi xin đề cập đến một số nguyên nhân thường gặp nhất gây ra biển hiện này.
Nguyên nhân sinh lý
Sau khi ăn những món ăn có nguyên liệu chính là máu động vật cũng có thể là một nguyên nhân gây ra đi ngoài ra máu.
Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra sau khi bạn ăn những món được làm từ tiết lợn, tiết gà hay bò như món tiết canh lợn, gà, hoặc các món ăn tiết đã được nấu chín…. Sau khi ăn những món này, máu động vật sẽ theo đường tiêu hóa của bạn và thải ra ngoài dưới dạng đã bị chuyển hóa một cách hoàn toàn tự nhiên. Và bạn không cần phải lo lắng nhiều về đường tiêu hóa của mình do đây chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Vì thế, khi có dấu hiệu đi ngoài ra máu hãy nhớ lại xem trước đó bạn có ăn những thức ăn như thế không nhé! Tuy nhiên, sử dụng những sản phẩm từ máu động vật nhất các món chưa được nấu chín như tiết canh lợn sẽ làm bạn tăng nguy bị nhiễm các ký sinh trùng và vi khuẩn nguy hiểm, đặc biệt là tụ cầu vàng nguy cơ tử vong sau khi bị nhiễm loại vi khuẩn này là rất lớn. Bởi vậy, bạn không nên sử dụng thường xuyên hoặc tốt nhất là không sử dụng những món ăn sống này trong bữa ăn hàng ngày.
Các nguyên nhân bệnh lý
Bệnh trĩ
Trĩ là một trong số những nguyên nhân đầu tiên phải kể đến khi nhắc tới đi ngoài ra máu. Bệnh trĩ hiện nay không hiếm gặp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trung niên, người già hay thậm chí là trẻ em, nhưng thường gặp vẫn ở độ tuổi từ 45 đến 65 tuổi. Bệnh thường xuất hiện do những thói quen không tốt trong sinh hoạt như: ngồi quá lâu không vận động, rặn quá mạnh khi đi cầu, đi cầu quá lâu, ăn ít rau… hay các tình trạng sinh lý, bệnh lý như: táo bón/tiêu chảy kéo dài, béo phì, căng thẳng thần kinh, phụ nữ mang thai,…
Đi ngoài ra máu trong bệnh trĩ bản chất là tổn thương các tĩnh mạch trực tràng dẫn đến do gia tăng áp lực dẫn đến việc máu chảy ra ngoài hậu môn. Khi bệnh nhân bị đi ngoài ra máu do bệnh trĩ, họ sẽ không có cảm giác đau. Chảy máu ở đây là chảy máu không đau. Ban đầu, chỉ biểu hiện là những vệt máu màu đỏ trên giấy vệ sinh khi đi tiêu. Về sau, mức độ sẽ ngày càng tăng lên, máu có thể chảy thành giọt, thành tia khi rặn lúc đi cầu. Nặng hơn nữa có thể gặp là trường hợp chỉ cần ngồi xuống thì máu cũng có thể chảy ra.
Có thể cải thiện tình trạng trĩ bằng cách tích cực bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất, tập luyện thể dục thường xuyên, ngâm nước ấm,… điều trị nội và ngoại khoa.
Bệnh lỵ
Đi ngoài ra máu cũng rất có thể là một biểu hiện của bệnh lỵ (hay còn gọi là kiết lỵ). Bệnh lỵ có 2 loại chính là bệnh lỵ trực khuẩn (do vi khuẩn Salmonella gây ra) và bệnh lỵ amip (do trùng kiết lỵ – Entamoeba histolytica gây ra). Bệnh thường biểu hiện ở những triệu chứng như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn,… có kèm theo đi ngoài ra máu hoặc dịch nhầy. Bệnh lý trực khuẩn thường diễn biến cấp tính với những biến chứng nguy hiểm nhưng lại ít khi tái phát trở thành mãn tính. Còn bệnh lỵ amip thường diễn biến mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần các đợt cấp tính. Cần phân biệt hai loại kiết lỵ này để có phương pháp xử trí phù hợp nhất.
Bệnh lỵ lây lan qua đường tiêu hóa và thường xuất hiện do vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo. Do vậy, cải thiện tình trạng vệ sinh ăn uống là cách tốt nhất để phòng ngừa và đẩy lùi bệnh lỵ.
Tình trạng viêm khác trên đường tiêu hóa
Viêm túi thừa
Ở trên thành đại tràng có các túi nhỏ, các túi này được gọi là túi thừa. Túi thừa có thể xuất hiện ở hầu hết các đoạn của đại tràng nhiều nhất ở đoạn cuối và rất dễ bị viêm nhiễm. Các túi này.
Những người ít ăn rau củ, chất xơ sẽ có nhiều túi thừa hơn. Khi bị viêm, các túi chảy máu, máu này theo phân ra ngoài khiến phân có lẫn máu. Diễn biến của tình trạng chảy máu này có thể đi theo 3 hướng: tự ngừng hoặc gián đoạn hoặc kéo dài liên tục. Trường hợp xấu nhất là bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ những túi này.
Viêm đại tràng – trực tràng
Đại tràng và trực tràng là nơi lưu trữ và đào thải phân. Khi chúng bị viêm nhiễm, đi ngoài ra máu là điều không thể tránh khỏi. Đại tràng và trực tràng có thể bị viêm do vi khuẩn, ký sinh trùng; cũng có thể do một số bệnh như: hội chứng ruột kích thích, suy giảm miễn dịch, bệnh Crohn,…; do ảnh hưởng của các phương pháp điều trị ung thư; tiêu chảy, táo bón kéo dài,…
Viêm dạ dày – ruột
Cũng như viêm đại tràng, trực tràng, viêm dạ dày ruột cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu. Dạ dày và ruột thường viêm do nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn. Những trường hợp như vậy, chúng ta có thể điều trị bằng kháng sinh.
Xuất huyết tiêu hóa
Đi ngoài ra máu là cũng có thể là biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa. Tuy hiếm gặp hơn nhưng xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng cấp tính nguy hiểm thường xuất hiện trên bệnh nhân loét dạ dày tá tràng hay bệnh nhân xơ gan do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Khi bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa thường có kèm theo nôn ộc ra máu đỏ tươi. Những bệnh nhân này cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Một số nguyên nhân khác
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ra tình trạng đi ngoài ra máu như: sa trực tràng, polyp, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng,…
Tuy ít gặp nhưng những nguyên nhân này nguy hiểm hơn do đó cần được theo dõi để có hướng xử trí đúng cách nhất.
Trên đây chỉ là một số nguyên nhân hay gặp nhất có thể gây ra đi ngoài ra máu, vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, bất kỳ một nguyên nhân nào gây tổn thương hay nặng hơn nữa là gây xuất huyết tại bất cứ vị trí nào trên đường tiêu hóa thì đều có thể gây ra đi ngoài ra máu. Và tùy thuộc vào vị trí tổn thương và mức độ bệnh mà tình trạng của biểu hiện sẽ khác nhau.
Đi ngoài ra máu tươi là biểu hiện của bệnh gì?
Nếu chỉ có triệu chứng là đi ngoài ra máu đỏ tươi thì rất khó kết luận khẳng định được đó là bệnh gì. Nhưng một trong những bệnh hàng đầu có thể nghĩ ngay đến đó chính là bệnh trĩ. Như đã nói ở trên, bệnh trĩ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đi ngoài ra máu. Khi bạn bị đi ngoài ra máu đỏ tươi kèm theo với một số biểu hiện khác như ngứa, sưng vùng hậu môn; nứt hậu môn; đau khi ngồi;… Bạn có thể xem xét đến nguy cơ bị trĩ và nên thăm khám bác sĩ để biết được phương hướng điều trị phù hợp nhất.
Triệu chứng đi ngoài ra máu
Đi ngoài ra máu có nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người biết mình đi ngoài ra máu khi thấy phân có lẫn máu màu đỏ tươi, đỏ thẫm hoặc thâm đen, cũng có thể là đi ra máu cuối bãi: máu đỏ tươi dính trên giấy vệ sinh hoặc là thành từng giọt hoặc là phun thành tia. Nhưng ít ai biết rằng, phân đen, nát, có mùi thối khắm cũng là một biểu hiện khác của đi ngoài ra máu. Tùy vào vị trí tổn thương trên đường tiêu hóa mà các biểu hiện khác nhau. Đối với các tổn thương ở vị trí dưới thấp như tổn thương trực tràng, đại tràng thì máu lẫn vào phân sẽ có màu đỏ tươi hay đỏ sẫm. Còn với những trường hợp tổn thương ở những vị trí cao hơn trên đường tiêu hóa như dạ dày, ruột non,…khi bị xuất huyết máu sẽ trải qua quá trình tiêu hóa với thức ăn để thải ra ngoài. Khi đó, phân có lẫn máu này sẽ có màu đen, và có mùi nặng hơn bình thường. Biểu hiện này cũng rất đáng lưu ý vì nó có thể là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết tiêu hóa nặng như đã nói ở trên.
Cách điều trị đi ngoài ra máu
Dùng các bài thuốc dân gian
Y học cổ truyền quan niệm rằng, những bệnh liên quan đến xuất huyết bao gồm cả ho ra máu, nôn ra máu, đi ngoài ra máu,… đa số là do nóng trong người làm mất cân bằng giữa nóng và lanh. Do đó, khí huyết không được lưu thông dẫn đến tình trạng bệnh. Vì thế, muốn trị được bệnh cần dùng các thuốc thanh nhiệt, giải độc. Cũng từ quan niệm đó, người dân đã sáng tạo ra những bài thuốc dân gian để điều trị đi ngoài ra máu khá hữu hiệu. Mỗi vùng miền với những đặc điểm cây cỏ khác nhau lại có những bào thuốc với những nét đặc sắc khác nhau. Sau đây chúng tôi xin được giới thiệu một số bài thuốc được sử dụng khá phổ biến.
Sử dụng rau diếp cá
Lá diếp cá không những là một loại rau thơm ăn hằng ngày, nó còn là một vị thuốc có tính mát, có tác dụng giúp cơ thể thanh nhiệt giải độc. Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng trong thành phần của lá diếp cá có chứa các chất có tác dụng kháng khuẩn, giúp hồi phục phản ứng viêm một cách hiệu quả. Từ đó có thể thấy được sử dụng rau diếp cá hỗ trợ trong các trường hợp bị đi ngoài ra máu do viêm đường tiêu hóa là khá có hiệu quả.
Bạn có thể dùng theo 3 cách: ăn trực tiếp diếp cá sống, uống nước diếp cá xay hoặc pha trà từ lá diếp cá khô để uống. Nhìn chung 3 cách này đều có hiệu quả tương đương nhau. Điều quan trọng là bạn phải kiên trì duy trì đều đặn thì mới có kết quả tốt.
Đây là cách điều trị đơn giản nhất, gần gũi và cũng dễ kiếm nhất vì rau diếp cá có thể tìm thấy ở mọi nơi. Tuy nhiên, một số người lại không quen sử dụng rau diếp cá vì mùi vị của nó khá đặc biệt, khá tanh. Bạn có thể khắc phục bằng cách cho thêm đường vào đồ uống hoặc là ăn kèm rau diếp cá với nước chấm hoặc đồ ăn khác. Nếu vẫn cảm thấy khó ăn hãy đổi sang vị thuốc khác.
Sử dụng gừng, sơn dược, tam thất và long nhãn
Trong bài thuốc này ngoài những vị có tác dụng thanh nhiệt giải độc ra, còn được thêm những vị thuốc có tác dụng bổ máu, lưu thông khí huyết như gừng, tam thất. Bài thuốc này có thể sử dụng được cho những người chảy máu nặng, có thể hồi phục nhanh hơn.
Cách sử dụng là cho các nguyên liệu này vào chung với nhau rồi sắc lên. Uống một ngày 2-3 lần. Uống thường xuyên để có hiệu quả tốt nhất.
Ba là, sử dụng cỏ nhọ nồi
Tương tự như rau diếp cá, cỏ nhọ nồi cũng có đặc tính thanh nhiệt, giải độc, chống viêm rất tốt thường được người ta sử dụng để chữa sốt, chữa ho; cỏ nhọ nồi còn có công dụng vượt trội nữa là cầm máu. Vì vậy cỏ nhọ nồi cũng là một lựa chọn thú vị khi chữa đi ngoài ra máu.
Cách sử dụng: giã nhuyễn cả cây rồi hòa chung với rượu, chắt lấy phần dịch lỏng để uống còn bã thì đắp hậu môn. Cũng khá hiệu quả.
Sử dụng hoa hòe
Hòe là một dược liệu có tác dụng cầm máu rất tốt. Các flavonoid có trong nụ hòe đặc biệt là rutin làm thành mạch bền vững, ngăn chảy máu.
Cách dùng: Dùng nụ hoa hòe chưa nở (những bông hoa nở rồi sẽ kém tác dụng vì hàm lượng hoạt chất giảm xuống rất thấp), cho vào nước nóng đun sôi, dùng như dùng trà hằng ngày.
Trên đây là một số bài thuốc dân gian thường được người dân sử dụng để chữa đi ngoài ra máu. Tuy nhiên, những bài thuốc này thường chỉ có tác dụng với một số trường hợp cụ thể. Với nhiều trường hợp có thể không có tác dụng. Chỉ nên sử dụng những bài thuốc này để hỗ trợ điều trị không nên coi như phương thức điều trị chính.
Dùng thuốc Tây Y
Việc sử dụng thuốc Tây Y không thể tùy ý theo ý kiến cá nhân được mà bạn nên đi thăm khám trước để tìm rõ nguyên nhân chính xác gây ra đi ngoài ra máu của bạn là gì. Để từ đó, các bác sĩ có hướng xử trí và kê đơn thuốc phù hợp với bạn nhất. Ví dụ như, nếu bạn bị đi ngoài ra máu nguyên nhân là do viêm đường tiêu hóa thì có thể sử dụng kháng sinh để điều trị; còn nếu nguyên nhân là do bệnh trĩ thì phải điều trị bệnh trĩ. Có loại bỏ được nguyên nhân, loại bỏ được bệnh gây ra đi ngoài ra máu thì đi ngoài ra máu mới tự mất đi.
Cách phòng tránh đi ngoài ra máu
Việc đầu tiên bạn cần làm để phòng tránh đi ngoài ra máu chính là bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể bằng cách ăn nhiều rau xanh để tránh táo bón. Và nếu bạn bị táo bón thì bạn cũng không được để tình trạng táo bón này kéo dài. Táo bón kéo dài không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ mà còn làm tăng nguy cơ gây viêm đường tiêu hóa đó.
Vận động thường xuyên. Bạn nên tập thể dục ít nhất 30-45 phút/ ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần. Hình thức vận động đơn giản nhất là đi bộ nhanh. Vận động làm tăng nhu động ruột tránh táo bón. Vận động còn làm giảm áp lực lên các búi tĩnh mạch ở trực tràng làm giảm nguy cơ bị trĩ.
Kiểm soát cân nặng, không nên để thừa cân, béo phì. Tránh căng thẳng đầu óc quá dẫn đến stress, suy nhược thần kinh
Ngoài ra, còn ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh các nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Chú ý đến những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính đặc biệt loét dạ dày – tá tràng, xơ gan,…phòng tránh xuất huyết tiêu hóa.
Tìm hiểu thêm: [Bật mí] Biểu hiện và cách trị nóng trong người đơn giản hiệu quả
Bị đi ngoài ra máu khi nào cần đi khám bác sĩ?
Khi bị đi ngoài ra máu, nếu như bạn đến ngay trung tâm y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra cách điều trị phù hợp là sự lựa chọn tốt nhất. Nhưng nếu vì một số lý do nào đó như vướng mắc về thời gian, về khoảng cách địa lý hay bất kỳ hoàn cảnh nào khác mà bạn chưa có điều kiện đi ngay được, thì bạn hãy tự theo dõi ở nhà và đến bác sĩ ngay nếu như có kèm các biểu hiện sau đây:
- Đi ngoài ra máu liên tục, không có dấu hiệu ngừng lại thậm chí còn nặng thêm lên.
- Sốt cao, rét run, hơi thở hôi, tiêu chảy, đau quặn bụng từng cơn,…
- Cảm giác mệt mỏi, lơ mơ, chán ăn, ăn không tiêu
- Cân nặng của bạn sụt giảm không rõ nguyên nhân
- Hình dạng, màu sắc phân thay đổi bất thường.
Đi ngoài ra máu nên ăn gì?
Khi bị đi ngoài ra máu bạn nên ăn những thực phẩm tươi ngon, có tính mát, giàu chất xơ, vitamin như rau xanh (rau muống, rau cải cúc, cải thảo,…), các loại quả như cam, quýt, bưởi,…
Hạn chế ăn các loại thịt khó tiêu hóa như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,… Nên thay bằng thịt cá hoặc trứng gà.
Sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng nhuận tràng như khoai tây
Đặc biệt là canh rau sam cũng được ghi nhận là có tác dụng chữa đi ngoài ra máu khá tốt.
Đi ngoài ra máu tươi nên khám ở đâu Hà Nội, Tp HCM?
Bạn có thể đến khám ở bất kỳ cơ sở y tế có uy tín nào trên địa bàn 2 thành phố lớn này.Các bệnh viện đa khoa, phòng khám tư nhân đa khoa,…là nơi mà bạn cần đến khi bị đi ngoài ra máu tươi. Ở đó, bạn sẽ được xét nghiệm, đánh giá, và được các bác sĩ đưa ra các chẩn đoán chính xác nhất tìm ra nguyên nhân của bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhâ
Bà bầu đi ngoài ra máu có sao không?
Thương phụ nữ có thai đi ngoài ra máu là do nguyên nhân là bệnh trĩ. Do thai nhi phát triển lớn dần lên chèn ép các cơ quan bên dưới, tạo ra áp lực lớn hơn lên các búi tĩnh mạch trực tràng. Do đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở phụ nữ cơ thai. Tuy nhiên cũng không được chủ quan, khi gặp trường hợp này, các mẹ nên đến ngay các cơ sở y tế thăm khám để được xem xét kĩ lưỡng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng giải quyết tốt nhân cho cả mẹ và em bé. Không nên tự xử lý ở nhà, sẽ rất nguy hiểm.
Trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu có sao không?
Cũng giống như người lớn, các em bé cũng có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như chúng ta. Thậm chí nguy cơ ấy còn cao hơn vì hệ miễn dịch của các em chưa phát triển đầy đủ. Khi thấy con có biểu hiện đi ngoài ra máu, rất có thể là các em đã bị nhiễm trùng, viêm đường tiêu hóa. Cha mẹ cần đưa các em đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và chú ý hơn đến việc chăm sóc con mình, đặc biệt là vấn đề vệ sinh ăn uống và dinh dưỡng của bé. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải được bú sữa mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ sẽ cung cấp cho bé những kháng thể giúp bé có sức đề kháng tốt hơn.
Đi ngoài ra máu thường xuyên có sao không?
Đi ngoài ra máu đã là một dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn có vấn đề và nó cần được phục hồi. Đi ngoài ra máu, chắc chắn ảnh hưởng đến vấn đề hấp thu dinh dưỡng của bạn. Nếu như đi ngoài ra máu quá thường xuyên với số lượng máu lớn còn có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ở một số người. Vì vậy, điều trị đi ngoài ra máu là rất cần thiết. Đừng để tình trạng này kéo dài liên tục hoặc là tiếp diễn lại nhiều lần. Nó chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Nếu đi ngoài ra máu, chỉ đơn thuần do táo bón thông thường thì bạn tích cực điều trị táo bón, nó sẽ tự khỏi. Nhưng nếu dấu hiệu đi ngoài ra máu kéo dài liên tục và lớn hơn 2 tuần thì bạn chắc chắn nên đi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và để được bác sĩ tư vấn và chữa dứt điểm chứng bệnh này.
Kết luận: Đi ngoài ra máu không phải là một bệnh cụ thể. Nó chỉ là một triệu chứng bệnh với nhiều nguyên nhân khác nhau và nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau. Nếu chỉ có một dấu hiệu là đi ngoài ra máu rất khó nhận biết được đó là bệnh gì. Do đó, không nên tự điều trị ở nhà. Khi có biểu hiện đi ngoài ra máu cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Hãy thật quý trọng sức khỏe của bản thân mình nhé bởi vì “ sức khỏe là vàng” mà! Chúc bạn và người thân luôn có một hệ tiêu hóa thật khỏe mạnh nhé!