Thuốc Lipanthyl: Tác dụng, hướng dẫn sử dụng, thận trọng khi dùng

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về Lipanthyl tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Bài này https://chuyengiadaday.com xin được trả lời cho bạn các câu hỏi: Thuốc Lipanthyl là thuốc gì? Thuốc Lipanthyl có tác dụng gì? Thuốc Lipanthyl giá bao nhiêu? Dưới đây là thông tin chi tiết.

Thuốc Lipanthyl là thuốc gì?

Hộp thuốc Lipanthyl
Hình ảnh: Hộp thuốc Lipanthyl

Thuốc Lipanthyl là thuốc tim mạch với tác dụng làm giảm lipid máu.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang.

Trong mỗi viên nang, hoạt chất chính của thuốc là Fenofibrate với hàm lượng 200mg.

Ngoài ra còn có các tá dược khác vừa đủ 1 viên bao gồm: natrilauril sulfate, tinh bột đã gelatin hóa, lactose monohydrate, crospovidone và magnesium stearate.

Thuốc Lipanthyl giá bao nhiêu? Mua ở đâu?

Hiện nay, thuốc Lipanthyl được sản xuất bởi Laboratoires Fournier S.A có xuất xứ từ Pháp.

Thuốc Lipanthyl hiện đang được cung cấp bởi nhiều nhà thuốc, quầy thuốc với mức giá dao động khác nhau. Các bạn có thể tìm mua thuốc Lipanthyl tại nhiều cửa hàng thuốc trên cả nước. Giá bán trên thị trường hiện nay của thuốc này là 211.000 đồng/hộp, mỗi hộp chứa 2 vỉ, mỗi vỉ có 15 viên.

Lưu ý: hãy lựa chọn những cửa hàng uy tín để mua được loại thuốc tốt nhất, đề phòng mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Thuốc Lipanthyl có tác dụng gì?

Vỉ thuốc Lipanthyl
Hình ảnh: Vỉ thuốc Lipanthyl

Hoạt chất chính của thuốc Lipanthyl là Fenofibrate.

Fenofibrate thuộc nhóm fibrat trong danh mục thuốc làm hạ lipid máu, với khả năng làm giảm triglycerid máu và cholesterol máu. Cơ chế làm giảm lượng cholesterol máu này là dựa vào sự giảm các lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) và rất thấp (VLDL-C), hai thành phần gây nên các cấu phần xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, Fenofibrate cũng làm giảm tỷ lệ cholesterol toàn phần/cholesterol HDL, giúp cải thiện sự phân bố cholesterol trong huyết tương, làm giảm nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch. Mặt khác, Fenofibrate còn làm tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C, hay còn gọi là cholesterol tốt), làm giảm nguy cơ tăng bệnh mạch vành. Bằng cách hoạt hóa lipoprtotein lipase và làm giảm sản cuất apoprotein C III, Fenofibrate còn làm tăng tiêu giải các lipid và tăng đào thải các tiểu phân chứa nhiều triglycerid, góp phần làm hạ lipid máu.

Chỉ định của thuốc Lipanthyl

Thuốc Lipanthyl được bác sĩ chỉ định dùng để điều trị cho các bệnh nhân bị tăng triglycerid máu nội sinh đơn lẻ thuộc typ IV, tăng cholesterol máu thuộc typ IIa hay tăng lipid máu kết hợp thuộc typ IIb và III mà bệnh không đáp ứng với chế độ ăn kiêng (đã áp dụng đúng và thích hợp).

Ngoài ra, thuốc Lipanthyl còn được dùng để điều trị tăng lipoprotein máu nguyên phát như trong bệnh cảnh đái tháo đường mặc dù đã điều trị nguyên nhân.

Cách dùng – Liều dùng của thuốc Lipanthyl

Bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc Lipanthyl
Hình ảnh: Bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc Lipanthyl

Thuốc Lipanthyl được bào chế dưới dạng viên nang và được dùng theo đường uống.

Cách dùng: uống trọn viên thuốc với nhiều nước và uống vào bữa chính trong ngày.

Đặc biệt, trong quá trình điều trị cần phối hợp với chế độ ăn kiêng và duy trì thường xuyên.

Liều dùng: liều dùng có thể khác nhau giữa các bệnh nhân khác nhau.

Liều thông thường dành cho người lớn: mỗi ngày sử dụng 1 lần, mỗi lần 1 viên.

Còn đối với trẻ em trên 10 tuổi: nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, một ngày tối đa 5mg/kg thể trọng cho mỗi trẻ.

Chống chỉ định của thuốc Lipanthyl

Không sử dụng thuốc Lipanthyl cho các bệnh nhân mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc, kể cả tá dược.

Chống chi định dùng thuốc cho bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan, mắc các bệnh lý liên quan đến túi mật hay bị suy thận nặng.

Đặc biệt, trẻ em dưới 10 tuổi không được khuyến cáo sử dụng thuốc.

Thuốc Lipanthyl có tác dụng phụ không?

Với tất cả các thuốc thuộc nhóm fibrat nói chung, tác dụng phụ hay gặp nhất là gây tổn thương cơ như có cảm giác đau ở cơ, yếu cơ, đau cơ lan tỏa, hiếm khi gây tiêu cơ.

Một số tác dụng phụ khác khi sử dụng thuốc Lipanthyl cũng đã được ghi nhận là rối loạn tiêu hóa ở dạ dày và ruột với các triệu chứng như tiêu chảy nhẹ, khó tiêu, buồn nôn, nôn, tăng tạm thời men gan.

Cũng có thể gặp các phản ứng dị ứng ở da.

Nếu xảy ra các tác dụng phụ mạnh, hãy ngừng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ điều trị để nhận được lời khuyên hợp lý.

Chú ý và thận trọng khi sử dụng thuốc

Trước khi quyết định sử dụng thuốc Lipanthyl, bạn nên đi khám chức năng gan và thận để chắc chắn mình không gặp phải vấn đề nào.

Do tác dụng không mong muốn của thuốc là làm tăng transaminase tạm thời nên cần kiểm tra men gan định kỳ 3 tháng 1 lần.

Sau 3 đến 6 tháng điều trị, nếu lượng lipid máu vẫn ở mức độ cao hơn bình thường, bạn nên đi khám lại và trao đổi với bác sĩ để thay đổi phương pháp điều trị khác.

Trong thời gian dùng thuốc phải kiểm tra công thức máu thường xuyên.

Do thuốc có chứa thành phần là lactose nên các bệnh nhân thiếu hụt enzym chuyển hóa lactose-galactose, kém hấp thu glucose-galactose hay không dung nạp được galactose thì nên tránh sử dụng thuốc này.

Với phụ nữ có thai và cho con bú: khuyến cáo không nên dùng thuốc Lipanthyl trừ trường hợp thật sự cần thiết và có sự cho phép của bác sĩ.

Tương tác với các thuốc khác

Có thể làm thay đổi hoạt tính của thuốc hay làm gia tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng không mong muốn khi xảy ra tình trạng tương tác thuốc.

Nếu như bạn đang được điều trị bằng các thuốc kháng viêm phi steroid như ketoprofen, có thể xảy ra các phản ứng dị ứng khi dùng thêm thuốc thuộc nhóm fibrat như Lipanthyl.

Cần tránh phổi hợp thuốc Lipanthyl với các thuốc cũng làm hạ lipid máu khác như các statin (ức chế enzym HMG-CoA redutase) do có thể làm tăng tác dụng của thuốc và làm tăng các tác dụng phụ trên cơ.

Thuốc Lipanthyl và Perhexiline dùng chung có thể gây viêm gan cấp tính, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Do cạnh tranh với các protein huyết tương nên tác dụng của các thuốc uống chống đông máu có thể tăng lên, thậm chí gây xuất huyết khi dùng chung với thuốc Lipanthyl.

Xử lý các quá liều, quên liều

Quá liều: Cho đến nay có rất ít các trường hợp quá liều thuốc Lipanthyl được ghi nhận và hầu như không có các triệu chứng đặc hiệu nào. Nếu nghi ngờ, bạn hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị triệu chứng và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khác nếu cần thiết.

Quên liều: Nếu bạn quên một liều, hãy bù liều đó ngay tại thời điểm vừa nhớ ra.

Nếu thời gian bù liều gần với thời gian dùng liều kế tiếp, hãy bỏ liều đã quên và tiếp tục duy trì sử dụng thuốc như thông thường. Tuyệt đối, không được bù gấp đôi lượng thuốc so với quy định.