Thuốc Alumina trị bệnh gì? Cách sử dụng, SĐK và giá bán

Thuốc Alumina do công ty dược phẩm 2/9 sản xuất được sử dụng rộng rãi để cắt nhanh các cơn đau đồng thời hỗ trị điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về thuốc này qua bài viết dưới đây.

Thuốc Alumina
Ảnh: Thuốc Alumina

Alumina là thuốc gì?

Số đăng kí: VD – 16817 -12.

Nhóm thuốc dược lí: Thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Đây là thuốc không kê đơn.

Thuốc Alumina được bào chế dưới dạng viên nén.

Thuốc Alumina là sản phẩm của công ty Dược phẩm 2/9, Việt Nam.

Thuốc được đóng gói dạng chai. Mỗi chai gồm 60 viên nén. Thuốc được bào chế thành dạng viên nén nên dễ dàng sử dụng và thuận tiện cho mang đi.

Thành phần trong 1 viên nén thuốc Aluminat có:

  • Nhôm hydroxyd (Al(OH)3) hàm lượng 200mg.
  • Magnesi carbonat (MgCO3) hàm lượng 100mg.
  • Calci carbonat hàm lượng 50mg.
  • Atropin sulfat 0.2mg.

Ngoài ra, công ty dược phẩm 2/9 còn sản xuất một loại sản phẩm tương tự: Alumina II

Thuốc Alumina 2 có số đăng kí là VD – 17363 – 12.

Thuốc có thành phần tương tự như Alumina nhưng được bào chế dưới dạng viên nén nhai. Thuốc Alumina 2 được đóng gói theo dạng vỉ bấm, mỗi vỉ 8 viên. Một hộp có 5 vỉ.

Tùy thuộc vào nhu cầu bạn có thể chọn 1 trong 2 dạng bào chế trên. Nếu bạn khó nuốt, bạn nên chọn Alumina 2. Bên cạnh đó, việc nhai thuốc này cũng giúp tác dụng trung hòa acid xảy ra nhanh hơn

Alumina có tác dụng gì?

Các thành phần có trong thuốc Alumina
Ảnh: Các thành phần có trong thuốc Alumina

Do nhiều yếu tố nguy cơ như: Stress kéo dài, sinh hoạt thiếu điều độ, sử dụng thường xuyên các thực phẩm cay nóng và nước uống có gas, đặc biệt là vi khuẩn H. pylori và thuốc chống viêm không steroid (NSAID)…  kích thích hoạt động của tế bào viền và bơm proton gây tăng tiết acid chlohydric (HCl). Lượng acid chlohydric tăng sẽ được ion bicarbonate (HCO3-) trung hòa, từ đó tạo ra một lượng lớn acid carbonic (H2CO3) ở dạng khí dẫn đến tình trạng ợ hơi, ợ nóng. Đồng thời, môi trường acid với pH quá thấp trong thời gian dài cũng làm tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến các vết loét và gây ra các cơn đau buốt thượng vị khó chịu.

Alumina được dùng để làm giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đau tức do loét dạ dày và thúc đẩy việc chữa lành vết loét dạ dày tá tràng.

  • Nhôm hydroxyd (Al(OH)3), Magnesi carbonat (MgCO3), Calci carbonat (CaCO3)

Bản chất là các hydroxyd và muối kim loại có tính chất kiềm có khả năng phản ứng với acid chlohydric HCl ở dạ dày theo các phương trình:

    • Al(OH)3 + 3 HCl 🡪 AlCl3 + H2O
    • MgCO3 + 2HCl 🡪 MgCl2 + H2O + CO2
    • CaCO3 + 2HCl 🡪 CaCl2 + H2O + CO2

Các hydroxyd và muối này trung hòa acid dịch vị làm tăng pH dạ dày từ đó làm mất nhanh các triệu chứng đau bụng, ợ hơi, ợ nóng.

Môi trường pH cao cũng làm bất hoạt yếu tố pepsin (enzyme gây tiêu protein) kết hợp với khả năng gây kết tủa pepsin của nhôm hydroxyd giúp hạn chế thủy phân màng nhầy bảo vệ dạ dày từ đó làm giảm tổn thương niêm mạc, làm săn niêm mạc dạ dày.

Trong 3 chất, Calci carbonat có tác dụng trung hòa acid nhanh và mạnh nhất. Tác dụng trung hòa của nhôm hydroxyd Al(OH)3 xuất hiện muộn và kéo dài. Trong khi tác dụng này của magnesi carbonat MgCO3 xuất hiện sớm hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn. Do vậy nên việc kết hợp hai thành phần này làm tăng đáng kể hiệu quả điều trị so với sử dụng đơn thuần từng hoạt chất. Việc kết hợp này cũng giảm các tác dụng không mong muốn liên quan đến rối loạn tiêu hóa.

So với các hoạt chất khác trong nhóm Antacid, Nhôm hydroxyd và Magnesi carbonat và Calci carbonat thể hiện được những ưu điểm vượt trội:

      • Tác dụng trung hòa acid không quá mạnh như NaHCO3 nên hạn chế được hiện tượng tiết acid hồi ứng.
      • Không hấp thu vào vòng tuần hoàn chung nên không gây ra nhiễm kiềm toàn thân.
  • Atropin sulfat

Atropine Sulfate là muối sulfat của atropine , một loại alkaloid tự nhiên được phân lập từ cây Atropa belladonna. Atropine có chức năng như một chất đối kháng giao cảm, cạnh tranh của các thụ thể cholinergic muscarinic. Do đó xóa bỏ tác dụng của kích thích giao cảm. Những tác dụng ức chế này làm giảm nước bọt, chất nhầy phế quản, dịch dạ dày và mồ hôi. Hơn nữa, hành động ức chế của nó trên cơ trơn ngăn ngừa co thắt bàng quang và làm giảm nhu động của đường tiêu hóa. Do đó, có tác dụng hiệu quả trong giảm tiết dịch tiêu hóa và giảm các cơn đau dạ dày.

Từ tác dụng của các thành phần, thuốc Alumina có các công dụng sau:

  • Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày, thực quản hay do viêm hang vị dạ dày gây ra.
  • Hỗ trợ thuyên giảm các triệu chứng của bệnh đau dạ dày cấp và mạn tính.
  • Điều trị tích cực các triệu chứng ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau thượng vị (đặc biệt ở bệnh nhân sau khi được thực hiện thủ thuật chụp X quang).
  • Thúc đẩy quá trình liền các vết thương niêm mạc do viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Cấp cứu khi bệnh nhân ngộ độc các chất acid, các chất ăn mòn gây xuất huyết tiêu hóa.

Chỉ định của Alumina

Từ những công dụng trên, Alumina được chỉ định trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân có tình trạng viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính.
  • Bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản (Hội chứng GERD).
  • Bệnh nhân được chẩn đoán loét dạ dày hoặc tá tràng.
  • Người mắc các triệu chứng ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau thượng vị.
  • Trường hợp ngộ độc chất acid, ngộ độc kiềm hoặc các chất ăn mòn gây xuất huyết.

Hướng dẫn sử dụng thuốc dạ dày Alumina

Liều dùng: Để sử dụng thuốc có hiệu quả, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Liều dùng thông thường ở người lớn 2 viên cho 1 lần x 3 lần / ngày.

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê nhiều hơn. Tuy nhiên không quá 12 viên / 1 ngày.

Thuốc dạ dày Alumina uống khi nào?

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất và các bác sĩ, Alumina nên được uống trước bước ăn hoặc trước khi ngủ để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Có thể uống Alumina khi các triệu chứng như ợ nóng, khó chịu ở dạ dày, đầy hơi, buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày xảy ra.

Cần chú ý sử dụng cách các thuốc khác ít nhất 2 tiếng để tránh các tương tác thuốc bất lợi.

Uống Alumina với nhiều nước sẽ làm thuốc có tác dụng nhanh hơn.

Chống chỉ định

Chống chỉ định của Alumina
Ảnh: Chống chỉ định của Alumina

Thuốc Alumina không được dùng cho người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc.

Thuốc Alumina có thể gây ra các tình trạng rối loạn các chất điện giải như giảm phosphate, tăng Al máu, tăng Mg máu, tăng Ca máu nên thuốc được chống chỉ định với bệnh nhân suy thận nặng.

Thuốc không được dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi do nguy cơ rối loạn tiêu hóa và các tác dụng phụ của Atropin.

Alumina có tác dụng phụ không?

Tác dụng phụ của thuốc Alumina
Ảnh: Tác dụng phụ của thuốc Alumina

Cũng như các thuốc tân dược khác, bên cạnh các tác dụng dược lí để điều trị, Alumina cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Khi sử dụng ngắn ngày, các tác dụng phụ thường xảy ra là các rối loạn về tiêu hóa. Điển hình nhất là:

  • Táo bón: Al(OH)3 kết hợp được với protein ruột nên hay gây táo bón.
  • Tiêu chảy: MgCO3 sau khi chuyển hóa có thể trở thành dạng Magie hydroxyd gây giữ nước nên hay gây tiêu chảy.
  • Việc kết hợp nhôm hydroxyd với magnesi hydroxyd làm giảm được các tác dụng không mong muốn này.
  • Do sử dụng dạng hoạt chất kết hợp với muối carbonat, trong quá trình trung hòa tạo ra khí CO2. Điều này gây ra tác dụng phụ đầy hơi, chướng bụng.
  • Thuốc Alumina có thể gây kết tủa và ngưng đọng Ca ở thận như CaCO3, gây tác dụng phụ lên thận (sỏi thận).

Đôi khi, người bệnh có thể gặp các tình trạng khác như:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Khô miệng.

Ngoài ra trong một số trường hợp việc giảm acid đột ngột có thể gây tăng tiết acid hồi ứng, làm trầm trọng hơn các triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, chướng bụng, đau rát thượng vị.

Sử dụng lâu dài có thể gây nhiều tác dụng bất lợi, điển hình như:

  • Tăng Ca huyết do trong thành phần thuốc có Calci carbonat. Tác dụng phụ này hay gặp hơn trên những bệnh nhân suy thận
  • Nhuyễn xương (Loãng xương): Do thuốc có thể làm giảm hấp thu canxi và nhôm hydroxyd xuống ruột tạo nhôm phosphate kéo phosphate từ xương ra gây nhuyễn xương.
  • Viêm nhiễm: Trạng thái pH cao trong thời gian dài ở dạ dày là môi trường để các loại vi khuẩn có hại phát triển, từ đó gây viêm nhiễm ở dạ dày.
  • Mệt mỏi, khó chịu, chán ăn: Dùng nhôm hydroxyd kéo dài có thể gây cạn kiệt phosphate làm bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi chán ăn.

Atropin được dùng với hàm lượng rất thấp nên không gây tác dụng không mong muốn nào đáng kể. Việc uống quá liều có thể làm nồng độ Atropin trong máu cao, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh do đặc tính ức chế cholinergic. Mất điều hòa, ảo giác (thị giác hoặc âm thanh), co giật, cử động bất thường, hôn mê, nhầm lẫn, choáng váng, chóng mặt, mất trí nhớ, đau đầu…

Chú ý và thận trọng

Trước khi dùng Alumina, cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết:

  • Các dược phẩm đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin, các thực phẩm bổ sung và các sản phẩm thảo dược. Do thuốc Alumina có thể tương tác với nhiều thuốc hoặc thực phẩm khác gây ra các tác dụng không mong muốn như:
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Alumina với các thuốc có chứa Nhôm khác do có thể làm trầm trọng hơn các tác dụng không mong muốn do nhôm gây ra.
  • Tiền sử bệnh lí và dị ứng của bạn (đặc biệt là các vấn đề về thận, bệnh tim, tăng huyết áp hoặc xuất huyết tiêu hóa).

Tương tác của Trimafort với các thuốc khác

Tương tác của Alumina
Ảnh: Tương tác của Alumina

Các nghiên cứu đã chỉ ra được những cơ chế cụ thể của tương tác giữa Alumina và một số các loại thuốc khác. Điển hình như:

  • Alumina trong thành phần có chứa các ion kim loại (Al, Mg, Ca) tạo phức chetlat với một số kháng sinh như Tetracyclin, Flouroquinolon, Ciprofloxacin, Norfloxacin làm bất hoạt cả hai thuốc và được thải ra ngoài, làm mất tác dụng của Alumina và mất nồng độ cần có để diệt khuẩn của kháng sinh.
  • Alumina làm tăng pH của dạ dày nên nó làm hòa tan một số thuốc bao tan trong ruột như Aspirin bao tan trong ruột gây mất chức năng bảo vệ dạ dày của dạng bào chế, thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole) hoặc viên nang zymoplex gây phân hủy dược chất làm mất tác dụng của thuốc.
  • Alumina làm mất môi trường acid của dạ dày từ đó làm giảm hòa tan của các thuốc cần tan trong acid dịch vị như: Digoxin, Ketaconazol, Phenyltoin, Isoniazid.

Alumina Nadyphar là gì?

Có rất nhiều bạn nhầm lẫn Alumina và Alumina Nadyphar.

Alumina Nadyphar là sản phẩm của công ty Nadyphar. Khác với thuốc Alumina của công ty Dược phẩm 2/9, Alumina Nadyphar là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc. Do đó, sản phẩm này chưa được kiểm chứng về hiệu quả lâm sàng cũng như tính an toàn của nó khi sử dụng. Bạn nên lưu ý để tránh mua nhầm sản phẩm không mong muốn.

Thuốc Alumina giá bao nhiêu?

Thuốc Alumina hiện đang được bán với giá dao động khoảng 15.000 đến 20.000 VNĐ một lọ 60 viên nén.

Với thuốc Alumina 2, giá của sản phẩm này dao động khoảng 20.000 VNĐ 1 hộp 40 viên nhai.

Mua Alumina ở đâu?

Hiện nay cả Alumina và Alumina 2 được phân bố rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên, bạn nên tìm mua ở những nhà thuốc có uy tín để đảm bảo xuất xứ và chất lượng của thuốc.

Một số gợi ý:

  • Ở Hà Nội: Các bạn có thể tìm mua thuốc tại nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Lưu Anh
  • Ở Tp HCM: Nhà thuốc Long Châu, …

Xem thêm:

Thuốc Maalox: Tác dụng, hướng dẫn sử dụng, thận trọng khi dùng

Thuốc Phosphalugel: Tác dụng, chỉ định, lưu ý tác dụng phụ, giá bán

Ngày viết:
Dược sĩ Quang đã từng theo học tại trường Đại học Dược Hà Nội - ngôi trường hàng đầu về đào tạo dược sĩ đại học. Hiện nay, dược sĩ Quang với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dược lâm sàng, mong muốn đem lại các thông tin hữu ích cho người dùng về bệnh dạ dày.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn