Bệnh trĩ là gì? Dấu hiệu, biến chứng và cách phòng bệnh trĩ tại nhà

Hiện nay, bệnh trĩ ngày càng trở nên phổ biến xung quanh chúng ta. Bất kỳ đối tượng, bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ bị mắc bệnh này. Bệnh trĩ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy bệnh trĩ là gì? Bệnh trĩ có nguy hiểm không? Triệu chứng và biến chứng, cách điều trị bệnh trĩ như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết về bệnh trĩ đến bạn đọc.

bệnh nhân bị trĩ
Hình ảnh: bệnh nhân bị trĩ

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ (hay còn được ông cha ta gọi là bệnh lòi dom) là một bệnh thuộc vùng hậu môn trực tràng. Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch mô xung quanh vùng hậu môn trực tràng bị căng giãn, phình to. Dần sẽ khiến cho các mô ở khu vực này bị sưng, viêm tạo thành các búi trĩ.

Cách phân loại bệnh trĩ

Bệnh trĩ được chia làm 3 loại, đó là: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trĩ hỗn hợp và bệnh nhân vừa mắc trĩ nội vừa mắc cả trĩ ngoại. Đặc điểm của từng loại như sau:

Trĩ nội

Trĩ nội là hiện tượng các búi trĩ mọc ở bề mặt niêm mạc phía trong của hậu môn. Triệu chứng của trĩ nội là đau rát, ngứa ngáy, chảy máu, sa búi trĩ. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, các búi trĩ này có thể bị viêm nhiễm, hoại tử gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trĩ nội được chia làm 4 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Búi trĩ mới được hình thành và bắt đầu có triệu chứng chảy máu.
  • Cấp độ 2: Khi đi đại tiện, búi trĩ bị sa xuống và tự co lên.
  • Cấp độ 3: Khi đi đại tiện, búi trĩ bị sa xuống nhưng không tự co lên được, phải dùng tay nhét lại.
  • Cấp độ 4: Khi đi đại tiện, búi trĩ bị sa xuống, dùng tay nhét lại cũng không được.

Trĩ ngoại

Trĩ ngoại là hiện tượng búi trĩ mọc ở bên ngoài phía miệng của hậu môn. Triệu chứng của trĩ ngoại là đau rát, ngứa ngáy, không có chảy máu mà chỉ thấy có phần da thừa gây cộm. Do các búi trĩ mọc ở bên ngoài nên trĩ ngoại rất dễ nhận biết, có thể dùng tay sờ thấy hoặc nhìn thấy búi trĩ bằng mắt thường.

Trĩ hỗn hợp

Trĩ hỗn hợp là hiện tượng khi bệnh nhân mắc cả hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại, các búi trĩ nội sa ra ngoài, gặp các búi trĩ ngoại, chúng xoắn lại với nhau tạo thành đám rối tĩnh mạch trĩ, đó chính là trĩ hỗn hợp.

Các loại bệnh trĩ
Hình ảnh: Các loại bệnh trĩ

Bệnh trĩ có nguy hiểm không?

Bệnh trĩ có gây nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ bệnh. Bệnh trĩ bình thường sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ gây ra những khó khăn, bất tiện cho người bệnh như ngồi khó, đau rát, ngứa ngáy, chảy máu khi đi vệ sinh. Nếu phát hiện và điều trị sớm thì sẽ trị dứt điểm được bệnh này. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, đê4 quá lâu sẽ rất dễ gây ra những biến chứng như hoại tử búi trĩ, nhiễm trùng máu, thiếu máu, suy nhược, biến chứng thần kinh, ung thư trực tràng,…gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

Trĩ là một căn bệnh bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có thể gặp phải. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ, trong đó các nguyên nhân hay gặp nhất phải kể đến là:

  • Táo bón kinh niên
  • Thói quen ngồi nhiều, lười vận động hay gặp nhất là ở những nhân viên văn phòng
  • Thói quen làm việc linh tinh khi đang đi vệ sinh như xem điện thoại, chơi game, đọc báo, đọc truyện khiến quá trình đi vệ sinh bị gián đoạn
  •  Phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh cũng thường hay bị trĩ
  • Bệnh nhân hiện đang mắc một số bệnh về gan
  • Bệnh nhân mắc một số bệnh liên quan đến trực tràng như nhiễm trùng, u,…

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác xuất phát từ những thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ như:

Thói quen ăn uống không lành mạnh
Thói quen ăn uống không lành mạnh
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều đồ cay nóng, tiêu thụ nhiều chất béo, quá ít chất xơ, lười uống nước
  • Thói quen nhịn đi cầu nhiều ngày, dẫn đến táo bón kéo dài

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ

  • Đi đại tiện ra máu: Đây là triệu chứng cũng như dấu hiệu đầu tiên để nhận biết bệnh trĩ nội. Ban đầu, hiện tượng chảy máu này sẽ không rõ ràng mà chỉ có thể thấy một ít thấm ra giấy vệ sinh. Nhưng sau đó, sẽ có hiện tượng máu chảy thành giọt hoặc thành tia khi đi vệ sinh, nặng hơn là có thể chảy cả khi vận động hoặc ngồi ghế gây bất tiện và nguy cơ cao gây thiếu máu, suy nhược cho người bệnh.
  • Đau rát, ngứa ngáy vùng hậu môn: Cảm giác ngứa vùng hậu môn sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào khiến người bệnh rất khó chịu. Còn đau rát sẽ xuất hiện khi bệnh nhân đi đại tiện, do búi trĩ bị phân va chạm, chèn ép gây đau đớn.
  • Sa búi trĩ: Sa búi trĩ là hiện tượng khi búi trĩ bị sa xuống, lòi ra ngoài khi đi đại tiện. Sa búi trĩ có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là búi trĩ bị sa xuống rồi tự thụt vào được. Tiếp theo là búi trĩ bị sa nhưng không tự thụt vào được, phải dùng tay để ẩn vào. Nặng hơn nữa là búi trĩ bị sa nhưng dùng tay cũng không thể ấn vào được, trường hợp này sẽ rất dễ gây tắc trĩ dẫn đến viêm nhiễm, hoại tử.
  • Ẩm ướt vùng hậu môn: đây là triệu chứng kéo dài từ lúc mới hình thành búi trĩ cho đến khi bị trĩ nặng. Búi trĩ sưng to gây kích thích hậu môn tiết ra chất nhầy, khiến cho hậu môn luôn trong trong tình trạng ẩm ướt, gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh.
  • Sưng đỏ vùng hậu môn: búi trĩ sưng to sẽ khiến vùng hậu môn cũng bị sưng đỏ theo. Nếu để lâu không kịp điều trị có thể gây viêm nhiễm.

Phác đồ điều trị trĩ của Bộ y tế

Bộ Y Tế đã đưa ra phác đồ điều trị ngoại khoa đối với bệnh trĩ.

Đối tượng cần can thiệp ngoại khoa là các trường hợp: trĩ nội cấp độ III, IV, trĩ hỗn hợp, trĩ nội – ngoại tắc mạch,…

Với trường hợp trĩ hỗn hợp và trĩ nội độ III, IV, các phương pháp có thể áp dụng là:

  • Phẫu thuật Milligan – Morgan
  • Phẫu thuật Longo
  • Phẫu thuật Longo + cắt búi trĩ ngoại kèm theo
  • Phẫu thuật Longo + khâu treo

Với trường hợp trĩ nội – ngoại tắc mạch thì áp dụng phương pháp phẫu thuật Milligan – Morgan.

Cách chữa bệnh trĩ

Không dùng thuốc

Biện pháp không dùng thuốc
Biện pháp không dùng thuốc

Đối với các trường hợp trĩ cấp độ nhẹ, giai đoạn mới chớm, có thể áp dụng phương pháp chữa trị không dùng thuốc. Thay vào đó là sử dụng các phương pháp dân gian do ông cha ta để lại. Qua nghiên cứu, một số loại dược liệu thực sự có khả năng chữa trĩ hiệu quả như: rau diếp cá, rau thiên lý, lá trầu không, hoa hoè,…Bạn có thể tham khảo một số cách điều trị trĩ bằng phương pháp dân gian cũng đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

Dùng thuốc

Dùng thuốc trị trĩ là một phương pháp điều trị hiệu quả, được áp dụng phổ biến với trĩ cấp độ I và II, trĩ giai đoạn đầu, khi búi trĩ chưa bị sưng to và sa xuống. Thuốc trị trĩ thì có nhiều dạng như thuốc uống, uống bôi hay viên đặt trực tràng. Tùy theo sự chỉ định của bác sĩ mà sử dụng loại thuốc phù hợp với từng tình trạng bệnh.

Tham khảo thêm: Thuốc bôi trĩ Titanoreine: Tác dụng, Chỉ định, Cách dùng, Giá bán

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật trĩ là dành cho các trường hợp trĩ độ III, IV, khi búi trĩ đã sưng to và sa xuống, gây đau đớn, khó chịu và gây nguy hiểm cho người bệnh. Hiện nay đã có rất nhiều các phương pháp phẫu thuật trĩ khác nhau nhưng điểm chung của chúng là đều rất nhanh chóng, dễ thực hiện và ít gây đau đớn cho người bệnh. Một số phương pháp phẫu thuật hay được sử dụng là:

  • Phương pháp Milligan Morgan: đây là phương pháp mổ cắt búi trĩ trực tiếp. Với cách này thì thời gian hồi phục lâu và có thể để lại sẹo và có nguy cơ gây nhiễm trùng.
  • Phương pháp dùng tia Laser: loại bỏ búi trĩ bằng cách sử dụng các chùm tia laser. Tuy nhiên, với phương pháp này, trĩ sẽ không được điều trị triệt để, hơn nữa khả năng để lại sẹo và nhiễm trùng cũng rất cao.
  • Phương pháp HCPT: sử dụng dòng điện cao tần để làm đông các mạch máu, sau đó là dùng dao điện để cắt các búi trĩ. Với phương pháp này được thao tác toàn bộ trên máy móc nên độ chính xác và an toàn rất cao, cũng sẽ không để lại sẹo và không tái phát.
  • Phương pháp Longo: sử dụng một dụng cụ chuyên dụng đặc biệt để cắt một khoanh niêm mạc cùng mạch máu phía bên trên búi trĩ, sau đó khâu kéo các búi trĩ lên cao, cùng với cắt nguồn cung cấp máu đến búi trĩ, khiến các búi trĩ teo dần. Đây là phương pháp được định trong trường hợp bị trĩ độ II và III, được nhiều người lựa chọn nhưng chi phí cao hơn so với các phương pháp khác.
  • Phương pháp PPH: sử dụng một loại máy kẹp đặc thù để thắt búi trĩ lại, ngừng đưa máu đến búi trĩ. Phương pháp này không cần phải dùng đến dao kéo và là phương pháp điều trị trĩ nội hiệu quả.

    Điều trị trĩ bằng phương pháp PPH
    Điều trị trĩ bằng phương pháp PPH

Chẩn đoán bệnh trĩ

  • Trĩ ngoại: Búi trĩ có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy, thường xuyên hiện diện, thường có da phủ chủ yếu.
  • Trĩ nội độ I, II: Đi đại tiện ra máu, lòi trĩ khi rặn, búi trĩ tự thụt lên.
  • Trĩ nội độ III: Trì thường xuyên lồi ra khi đi đại tiện, có thể lấy tay đẩy lên.
  • Trĩ nội độ IV: Trĩ lòi ra thường xuyên, không thể dùng tay đẩy lên.
  • Trĩ hỗn hợp: Trĩ nội kết hợp trĩ ngoại.

Biến chứng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ nếu không được điều trị kịp thời, để quá lâu không chỉ gây bất tiện, đau đớn cho người bệnh mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Chảy máu kéo dài gây thiếu máu trầm trọng, suy nhược cơ thể.
  • Búi trĩ sưng to quá sẽ gây sa búi trĩ, nghẹt trĩ, gây tắc mạch và hoại tử.
  • Búi trĩ sưng to, cọ xát, va chạm dễ gây vỡ búi trĩ, gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
  • Gây một số bệnh như nứt kẽ hậu môn, trực tràng, rò hậu môn, áp xe hậu môn.
  • Nặng hơn có thể gây nghẽn mạch, nhiễm khuẩn huyết.

Cách phòng bệnh trĩ tại nhà

Phòng bệnh trĩ tại nhà sẽ rất đơn giản nếu bạn áp dụng đúng những cách sau:

  • Phòng tránh bệnh táo bón: táo bón là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trĩ. Để phòng tránh bệnh táo bón, cần phải ăn đủ chất xơ từ trái cây và rau xanh, uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày, thường xuyên tập thể dục để hệ tiêu hoá hoạt động được dễ dàng, trơn tru.

    Ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước
    Ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước
  • Duy trì thói quen đi vệ sinh hàng ngày: Nhịn đi vệ sinh quá lâu sẽ gây ra tích tụ phân, mất nước, dẫn đến tình trạng táo bón kéo dài. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Vì thế, hình thành thói quen đi vệ sinh hàng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.
  • Không ngồi quá lâu trên ghế nhất là đối với những nhân viên văn phòng. Thường xuyên đứng dậy đi lại, vận động sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Bệnh trĩ nên ăn và kiêng gì

Người mắc bệnh trĩ nên ăn bổ sung những thực phẩm sau:

  • Uống nhiều nước
  • Ăn các thực phẩm nhiều chất xơ: trái cây tươi, rau xanh, đậu phụ, các loại hạt, ngũ cốc,…
  • Thực phẩm có tính nhuận tràng: trái cây mọng, nhiều nước, các loại dầu (dầu đậu nành, dầu vừng, dầu lạc),…

Người mắc bệnh trĩ không nên ăn bổ sung những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm có tính cay nóng: các gia vị như ớt, hạt tiêu, mù tạt,…
  • Thực phẩm chứa chất kích thích: thuốc lá, bia, rượu, cafe, nước có gas
  • Đồ ăn chứa nhiều muối
  • Đồ ăn chứa nhiều đường

    Người bị bệnh trĩ không nên sử dụng
    Người bị bệnh trĩ không nên sử dụng

Bệnh trĩ có tự khỏi không?

Bệnh trĩ được chia ra làm 4 cấp độ khác nhau. Đối với trĩ giai đoạn đầu, trĩ cấp độ I có thể tự khỏi nếu người bệnh có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Còn lại trĩ các cấp độ II, III, IV đều không thể tự khỏi mà cần phải có các biện pháp can thiệp khác để điều trị.

Bệnh trĩ có lây không?

Bệnh trĩ không thể lây từ người này sang người khác vì nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân bệnh nhân. Tuy nhiên, những người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ giống nhau sẽ có nguy cơ bị trĩ như nhau.

Bệnh trĩ có kiêng quan hệ không?

Bệnh trĩ là bệnh ở khu vực hậu môn trực tràng nên không cần kiêng quan hệ nam nữ. Tuy nhiên, trong quá trình quan hệ cần lưu ý không tác động quá mạnh đến búi trĩ, không gây áp lực lên vùng hậu môn khiến búi trĩ bị vỡ gây nhiễm trùng.

Một số câu hỏi thường gặp

Bệnh trĩ có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Bệnh trĩ ở nữ giới chỉ gây đau đớn, khó chịu chứ hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đến quá trình thụ thai hay khả năng mang thai. Tuy nhiên, bệnh trĩ lại có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đến sức khỏe mẹ và bé, tăng nguy cơ gây viêm nhiễm đối với phụ nữ có thai.

Mổ trĩ có ảnh hưởng gì không?

Mổ trĩ hiện nay đã trở thành một loại phẫu thuật nhỏ, nhanh chóng và không gây đau đớn. Mổ trĩ không những trị dứt điểm bệnh trĩ, khiến người bệnh thoát khỏi đau đớn, khó chịu mà mổ trĩ còn hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến người bệnh. Tuy nhiên, sau khi mổ trĩ, cần phải nghiêm chỉnh áp dụng các chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để tránh bị tái phát.

Sau mổ trĩ kiêng quan hệ bao lâu?

Sau mổ trĩ kiêng quan hệ 15 đến 25 ngày
Sau mổ trĩ kiêng quan hệ 15 đến 25 ngày

Kiêng quan hệ sau khi mổ trĩ là để tránh va chạm, gây áp lực khiến vết mổ bị rách, chảy máu, dễ gây nhiễm trùng. Vì thế, đối với các phương pháp mổ truyền thống, thời gian hồi phục chậm nên phải kiêng quan hệ khoảng 50 đến 80 ngày. Còn với phương pháp mổ hiện đại, nhanh chóng thì chỉ cần kiêng quan hệ khoảng 15 đến 25 ngày.

Bệnh trĩ nên tập môn thể thao nào?

Tập luyện thể thao với những người bị bệnh trĩ là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào cũng phù hợp với người bệnh trĩ mà cần lựa chọn một môn thể thao có thể đem lại hiệu quả tốt mà không gây tác động, chèn ép, ảnh hưởng lên búi trĩ. Một số môn thể thao có thể tập cho người bị bệnh trĩ là:

  • Bơi lội: với những người bị trĩ cấp độ nhẹ I và II thì bơi lội là một môn thể thao thích hợp. Sự phối hợp nhịp nhàng cả cơ thể khi bơi sẽ giúp tăng cường trương lực cho tĩnh mạch vùng hậu môn. Bên cạnh đó, khi ở trong nước, do có lực đẩy nên áp lực lên hậu môn cũng sẽ giảm, hiệu quả cho việc điều trị trĩ. Đối với phương pháp này, mỗi tuần nên dành thời gian tập từ 3 đến 4 lần, mỗi lần bơi khoảng 30 đến 60 phút để đem lại hiệu quả tốt nhất.
  • Đi bộ thường xuyên: Lười vận động là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Do đó, đi bộ thường xuyên là một bộ môn thể thao phù hợp cho cả người mắc bệnh trĩ và người muốn phòng bệnh trĩ. Với phương pháp này, mỗi ngày nên dành thời gian đi bộ khoảng 30 đến 60 phút để đem lại hiệu quả tốt nhất.
  • Tập yoga: một số động tác yoga đơn giản cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng trĩ một cách hiệu quả. Mỗi tối chỉ cần dành khoảng 15 đến 30 phút để tập vài động tác yoga nhẹ nhàng sẽ đem lại hiệu quả khiến bạn kinh ngạc.
  • Bài tập co thắt hậu môn: bài tập co thắt hậu môn là một bài tập dành riêng cho những người bị bệnh trĩ. Bài tập này vô cùng đơn giản và dễ thực hiện. Đầu tiên, bạn cần tìm một chỗ để ngồi hoặc nằm thật thoải mái, thả lỏng cơ thể. Sau đó, từ từ hít vào, kèm theo ép chặt hai cánh mông lại với nhau, khép vùng hậu môn lại. Giữ yên khoảng vài giây rồi thả lỏng và thở ra. Lặp lại các động tác như trên trong khoảng từ 20 đến 30 phút, mỗi ngày nên dành thời gian tập từ 2 đến 3 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Trên đây là tất cả những thông tin đầy đủ và chính xác về bệnh trĩ. Hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ nhất về căn bệnh này để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả.